Cấp cứu khi truyền hóa chất

Cần biết - 11/24/2024

Trong quá trình truyền hóa chất, người bệnh cần được theo dõi và chăm sóc đặc biệt để đề phòng biến chứng xảy ra.

Phản ứng do tiêm truyền hóa chất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng thường xảy ra vào thời điểm những giờ đầu của lần truyền đầu tiên, cũng có trường hợp xảy ra ở những lần truyền sau. Để đề phòng và xử lý kịp thời cần phải chuẩn bị kỹ càng.

1. Chuẩn bị trước hóa trị

+ Truyền hóa chất nên được thực hiện và giám sát ở cơ sở chuyên khoa u bướu, có đầy đủ phương tiện phòng chống sốc phản vệ.

+ Cán bộ y tế nắm chắc quy trình thực hiện, hiểu và giải quyết tốt những tình huống có thể xảy ra.

+ Bệnh nhân cần được giải thích rõ những tác dụng phụ không mong muốn, biết và thông báo sớm cho bác sĩ những dấu hiệu khác thường có thể xảy ra.

Cấp cứu khi truyền hóa chất

Trong quá trình truyền hóa chất sẽ có nhiều tác dụng phụ xảy ra (Ảnh: Internet)

2. Triệu chứng

Ngay sau khi tiếp xúc với dị nguyên (hoặc muộn hơn) xuất hiện: Cảm giác khác thường, bồn chồn không an tâm, sợ hãi sau đó thấy xuất hiện các triệu chứng của sốc phản vệ như:

+ Mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, phù Quinke.

+ Mạch nhanh nhỏ khó bắt.

+ Khó thở, nghẹt thở, đau quặn bụng, ỉa đái không tự chủ.

+ Đau đầu chóng mặt, li bì hay vật vã giãy giụa co giật.

3. Xử trí

a. Phản ứng ở mức độ nhẹ và vừa

Nếu phản ứng giới hạn ở mức độ nhẹ không dự đoán là sẽ dẫn đến sốc phản vệ. Xử lý: Dừng truyền, đánh giá thực trạng diễn biến bệnh, tiêm tĩnh mạch 50 mg Diphenhydramin.

Sau khi hết triệu chứng có thể truyền thuốc lại với tốc độ chậm hơn, theo dõi chặt chẽ, nếu các triệu chứng khi trước xuất hiện trở lại, bỏ truyền.

b. Phản ứng nặng, sốc phản vệ

+ Dừng truyền, không rút kim truyền mà thay thế đường truyền tĩnh mạch bằng dung dịch ringer lactat, hoặc natriclorua 0,9%.

+ Đánh giá đường thở, tình trạng tuần hoàn và tinh thần.

+ Thuốc chống sốc Adrenalin 1mg tiêm dưới da:

Đối với người lớn từ  ½ - 1 ống , trẻ em không quá 1/3 ống. Hoặc tính cụ thể 0,01 mg/kg thể trọng. Tiếp tục tiêm với liều như trên 10 - 15 phút 1 lần cho đến khi huyết áp có dấu hiệu tăng trở lại, theo dõi huyết áp 15 phút 1 lần.

Nếu sốc quá nặng đe dọa tử vong, ngoài đường tiêm dưới da có thể tiêm adrenalin dung dịch pha loãng 1/10.000 qua đường tĩnh mạch (hoặc tráng hút bơm tiêm).

+ Xử lí suy hô hấp: Thở ôxy, thở bóng, đặt nội khí quản thở máy, mở khí quản.

Truyền tĩnh mạch chậm Aminophylin 1mg/kg/giờ hoặc Terbultalin 0,2 mcg/kg/phút, hoặc tiêm dưới da 1 ống 0,5 mg cho người lớn, trẻ em 0,02ml/kg cho trẻ em. Có thể tiêm lại sau 6 - 8 giờ nếu không đỡ khó thở.

+ Thiết lập đường truyền tĩnh mạch, duy trì huyết áp bằng bơm tiêm điện tử điều khiển tốc độ truyền adrenalin theo huyết áp (thường khoảng 2 mg/giờ).

+ Điều trị sau cấp cứu: Cân nhắc sử dụng các thuốc Methylprednisolon, hemisuccinat, Diphenhydramin, dịch truyền natriclorua, lactat, theo dõi diễn biến bệnh ít nhất 24 giờ sau khi huyết áp đã ổn định.

 >> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh ung thư vòm họng

BS Đỗ Hữu Thảnh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!