Hồng đằng còn có tên khác là huyết rồng, kê huyết đằng, khan dạ lùa (Tày), là loại dây leo, thân gỗ to, hình tròn dẹt, có nhiều nhựa màu đỏ nâu. Thân và lá non có lông tơ mịn. Lá kép gồm 3 lá chét, lá giữa to hơn, cuống lá kép dài. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm chùy. Quả đậu dẹt.
Cây mọc tự nhiên trong rừng ở miền núi phía Bắc. Bộ phận dùng làm thuốc là thân cây, thu hái quanh năm, thái phiến, phơi khô dùng dần.
Hồng đằng.
Một số đơn thuốc thường dùng
Chữa tê thấp, nhức mỏi gân xương: Hồng đằng 12g, cây mua núi 12g, rễ gối hạc 12g, rễ phòng kỷ 10g, vỏ thân ngũ gia bì chân chim 10g, dây đau xương 10g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
Chữa đau lưng, mỏi gối, đau các khớp chân, tay: Hồng đằng 16g, cẩu tích 12g, tục đoạn 12g, xuyên khung 12g, dây đau xương 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống 7-10 ngày là một liệu trình.
Chữa đau dây thần kinh hông: Hồng đằng 20g, ngưu tất 12g, hồng hoa 12g, đào nhân 12g, nghệ vàng 12g, nhọ nồi 10g, cam thảo 4g. Sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Uống 7-10 ngày là một liệu trình.
Hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp: Hồng đằng, hy thiêm, thổ phục linh, rễ vòi voi mỗi vị 16g; ngưu tất, sinh địa mỗi vị 12g; nam độc lực, rễ cà gai leo, rễ cây cúc ảo, huyết dụ mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống 7-10 ngày là một liệu trình.
Chữa thiếu máu, người mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt: Hồng đằng 16g, hà thủ ô đỏ 12g, đương quy 12g, nhân sâm 10g, thục địa 12g, đan sâm 12g; sắc đặc, cô thành cao lỏng, ngày uống 1 thìa canh pha với rượu hoặc nước nóng để uống.
Chữa kinh nguyệt không đều: Hồng đằng 10g, tô mộc 5g, nghệ vàng 4g, sắc uống trong ngày. Hoặc: Hồng đằng 16g, nghệ vàng 6g, ngưu tất 10g, ích mẫu 12g sắc uống ngày một thang. Uống 7-10 ngày là một liệu trình.
Lưu ý: Không dùng cho phụ nữ có thai.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!