Vậtlý trị liệu là phương pháp giúp bạn phục hồi chức năng nhưng không sử dụng thuốc tác động trực tiếp lên cơ thể. Để đạt kết quả tốt nhất khi điều trị chấn thương, bạn cần nghe theo lời khuyên của bác sĩ và tuân thủ lịch trình luyện tập mỗi ngày.
Giãn hoặc rách dây chằng chéo trước là một trong những loại chấn thương khớp gối phổ biến ở các vận động viên môn thể thao cường độ cao hay những người tập thể dục quá nặng. Điều trị theo phương pháp vật lý trị liệu như thế nào sẽ giúp bạn hồi phục nhanh chóng? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!
Chế độ tập luyện phục hồi chức năng sau chấn thương dây chằng chéo trước
Bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu sẽ thiết kế một chương trình phục hồi chức năng cho bạn sau khi xem xét mức độ hoạt động bình thường, thể lực và mức độ chấn thương dây chằng chéo trước (ACL).
Chương trình trị liệu của bạn có thể bao gồm:
- Các bài tập tăng tính linh hoạt
- Các bài tập tăng cường
- Các hoạt động rèn luyện sức bền
- Các bài tập phối hợp và yêu cầu độ nhanh nhẹn (đối với vận động viên thi đấu)
Để có thể trở lại hoạt động bình thường, chức năng của cơ trong chân bị thương phải mạnh mẽ như ở chân không bị thương. Bạn có thể thực hiện chương trình trị liệu này với sự hướng dẫn của người có chuyên môn tại nhà hoặc tại trung tâm trị liệu hay phòng tập.
Bạn có thể trông chờ gì về kết quả sau khi trị liệu vật lý?
Thời gian hồi phục sau chấn thương ACL của bạn còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, kết quả giải phẫu và mức độ phù hợp với chương trình trị liệu. Chương trình trị liệu thường kéo dài từ vài tháng đến một năm. Nếu bạn tập trung và tuân thủ chương trình này thì sẽ hồi phục nhanh hơn và gặp ít vấn đề về khớp gối hơn trong tương lai so với những người không hoàn thành chương trình của mình.
Dù bạn có chọn phẫu thuật hay không, bạn vẫn cần thực hiện chương trình vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau khi mắc nhiều chấn thương dây chằng chéo trước. Chương trình này sẽ giúp khớp gối bạn chuyển động bình thường và linh hoạt. Ngoài ra, bạn còn có thể tăng cường sức mạnh của khớp gối và các cơ xung quanh, đồng thời ổn định khớp gối tốt hơn.
Hiệu quả của tập phục hồi chức năng sau chấn thương như thế nào?
Hiệu quả của vật lý trị liệu phục hồi chức năng phụ thuộc vào việc bạn chỉ tập phục hồi chức năng thôi hay còn kết hợp với phẫu thuật và bạn tuân thủ theo chế độ tập luyện như thế nào.
Trước khi bắt đầu tập luyện, bạn và bác sĩ cần phải thiết lập những mục tiêu cụ thể cho chương trình. Điều này phụ thuộc vào tuổi tác và mức độ chấn thương của bạn: Liệu có chấn thương đầu gối khác hay không? Sức khỏe tổng thể của bạn như thế nào?
Nếu chỉ tập phục hồi chức năng, khớp gối của bạn có thể khỏe mạnh để tiếp tục các hoạt động bình thường và tránh được phẫu thuật. Tuy nhiên, một số người lại nhận được kết quả không tốt, đầu gối không hoạt động lại bình thường như trước hoặc thậm chí phải quyết định lựa chọn phẫu thuật hay từ bỏ hoạt động hoặc thể thao.
Nếu phục hồi mà không cần phẫu thuật, đầu gối của bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị thương lần nữa. Vì thế, các vận động viên thường chọn phẫu thuật và sau đó hoàn thành việc phục hồi chức năng. Nhờ đó, họ sẽ có nhiều khả năng trở lại tập luyện thể thao tốt hơn những người tự phục hồi.
Liệu có nguy cơ rủi ro nào từ vật lý trị liệu phục hồi không?
Các chương trình phục hồi chức năng cần được giám sát kỹ để đảm bảo rằng các bài tập và chế độ tập phù hợp với bạn. Rủi ro của chương trình phục hồi chức năng có thể do quá trình tiến triển quá nhanh làm suy yếu dây chằng tái tạo hay bạn bắt đầu luyện tập thể thao quá sớm. Nếu bạn không hoàn thành chương trình phục hồi chức năng, khớp gối của bạn có nguy cơ hoạt động không ổn định và chấn thương trở lại.
Vì thế, bạn nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ và các chuyên gia, tuân thủ chế độ tập luyện nhằm đảm bảo cơ thể của bạn không tiếp tục mắc chấn thương nào khác.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Cách phòng tránh những chấn thương khi vận động
- Cách điều trị chấn thương cổ tay khi chơi thể thao
- 4 mẹo chữa chấn thương cổ tại nhà cực hiệu quả
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!