Từ thời xa xưa, con người đã biết đến asen (thạch tín) như một chất độc vô cùng nguy hiểm vì vậy có không ít ca đầu độc trong thời phong kiến đều liên quan đến độc tố này. Nhiều người nghĩ rằng asen trong thời đại ngày nay xuất hiện rất ít nhưng không phải vậy, thực tế asen luôn xuất hiện xung quanh chúng ta, tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, có mặt trong đồ ăn, thức uống và tiềm ẩn nguy cơ ung thư cao.
Asen là gì?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới WHO, asen là một thành phần tự nhiên của vỏ trái đất và thường có trong rau quả, thực phẩm, trong cơ thể động vật với nồng độ rất nhỏ.
Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết: Khi con người tiếp xúc với môi trường ô nhiễm asen, asen sẽ xâm nhập vào cơ thể, chúng được thải ra khỏi cơ thể trong vài ngày. Tuy nhiên, vẫn có một lượng không nhỏ asen bị tích tụ lại trong não, các mô da, tóc móng, răng, trong các bộ phận giàu biểu mô như thực quản, dạ dày, ruột non… Tùy theo lượng asen vào cơ thể và thể trạng mỗi người mà asen có thể gây ra các hậu quả khác nhau.
Asen cũng được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO phân vào nhóm chất gây ung thư cho con người, đồng thời cũng tuyên bố rằng nước uống nhiễm asen là thứ có thể gây ung thư cực nhanh.
Khi nhiễm độc asen, con người có thể bị biến đổi sắc tố da, sừng hóa, ung thư da và ung thư một số cơ quan nội tạng, các bệnh về hô hấp, phổi… Trong đó, tác hại của asen đối với phụ nữ và trẻ em là lớn nhất.
Asen thường xuất hiện ở đâu?
1. Nước
Theo WHO, một số nguồn nước là nguồn gây nhiễm độc asen trong cộng đồng. Đáng nói, asen không gây mùi vị khó chịu cũng như không gây biến đổi màu sắc của nước ngay cả khi có lượng đủ làm chết người. Vì vậy, nước nhiễm asen hay không thì không thể phát hiện bắng cảm quan. Ngoài nước uống, cây trồng được tưới bằng nước chứa asen và thực phẩm được chế biến bằng nước bị ô nhiễm thì cũng có thể gây hại cho con người.
Nước là nguồn chính gây nhiễm độc asen trong cộng đồng.
2. Thực phẩm
Asen có mặt trong nhiều loại thực phẩm như ngũ cốc, hoa quả và rau xanh thông qua quá trình hấp thu nước và các chất dinh dưỡng từ đất. Trong đó, gạo và hải sản là 2thực phẩm có chứa lượng asen nhiều hơn các thực phẩm khác, tuy nhiên asen trong hải sản chủ yếu ở dạng hữu cơ, có thể đào thải ra khỏi cơ thể nhanh và ít độc hơn.
Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam: Lượng asen có trong thực phẩm hữu cơ và các thực phẩm thông thường cũng không khác nhau vì asen tồn tại trong đất và nước từ nhiều năm nay nên dù có canh tác theo kiểu nào thì cây vẫn hấp thu một lượng asen không đổi.
Cá, động vật có vỏ, thịt, gia cầm, các sản phẩm từ sữa và ngũ cốc cũng có thể có nguy cơ nhiễm asen...
3. Quy trình sản xuất công nghiệp
Asen thường được sử dụng trong quá trình chế biến thủy tinh, bột màu, hàng dệt, giấy, chất kết dính kim loại, chất bảo quản gỗ và đạn dược. Asen cũng được sử dụng trong quá trình xử lý da, trong thuốc trừ sâu, phụ gia thức ăn và dược phẩm...
4. Thuốc lá
WHO cảnh cáo: Những người hút thuốc lá cũng có thể tiếp xúc với hàm lượng asen tự nhiên vì cây thuốc lá có thể hấp thụ asen có trong đất. Ngoài ra, trước đây, khả năng phơi nhiễm asen cao hơn nhiều khi cây thuốc lá được xử lý bằng thuốc trừ sâu chứa asen chì.
Những người hút thuốc lá cũng có thể tiếp xúc với hàm lượng asen tự nhiên.
Để phòng ngừa ung thư do ngộ độc asen, WHO khuyến cáo người dân cần làm những việc sau
Có một thực tế rằng rất nhiều thực phẩm hay nguồn nước có thể chứa asen nhưng chất độc này sẽ chỉ thật sự gây hại nếu vượt quá tiêu chuẩn quy định. Ví dụ như quy định về nguồn nước: Theo WHO, nồng độ asen trong nước lớn hơn 0,01mg/lít, nghĩa là đã vượt ngưỡng cho phép.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 21% dân số dùng nguồn nước nhiễm asen vượt quá mức cho phép. Để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc asen, mọi người cần ghi nhớ:
- Triệu chứng ngộ độc asen bao gồm nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy. Sau đó là tê và ngứa ran các chi, co cứng cơ và tử vong nếu nghiêm trọng vì vậy nếu nhận thấy các dấu hiệu này bạn cần đi khám càng sớm càng tốt.
- Thay thế các nguồn nước chứa hàm lượng asen cao, chẳng hạn như nước ngầm, bằng các nguồn nước chứa hàm lượng asen thấp như nước mưa, nước đã qua xử lý bằng máy lọc.
- Sử dụng các loại nước an toàn, hàm lượng asen thấp cho mục đích uống, nấu ăn và tưới tiêu.
- Lắp đặt hệ thống loại bỏ asen trong nước. Các công nghệ để loại bỏ asen bao gồm quá trình oxy hóa, đông tụ-kết tủa, hấp thụ, trao đổi ion... Ngày càng có nhiều lựa chọn hiệu quả và chi phí thấp để loại bỏ asen.
- Tự tìm hiểu về mức độ nguy hiểm của asen. Các thành viên trong gia đình cần phải hiểu các nguy cơ của việc phơi nhiễm asen cao và các nguồn phơi nhiễm asen. Bao gồm cả việc cây trồng (như gạo) có thể nhiễm asen thông qua việc tưới nước ô nhiễm, hoặc thực phẩm có thể nhiễm asen thông qua nước nấu ăn.
- Những người làm việc trong môi trường có asen cần phải mặc trang phục bảo hộ đầy đủ, tắm rửa, thay quần áo sau khi rời khỏi nơi làm việc.
- Đối tượng có nguy cơ nhiễm độc cao cần phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!