Gút là bệnh rối loạn chuyển hóa các nhân Purin, có đặc điểm chính là tăng a-xít uric máu. Tình trạng viêm khớp trong bệnh gút là so sự lắng đọng các tinh thể monosodium urat trong dịch khớp hoặc các mô.
Đối với bệnh nhân bị bệnh gút cần quan tâm tới các chỉ số sức khỏe, các chỉ số sinh hóa máu, sinh hóa nước tiểu sau để phục vụ cho việc điều trị, kiểm soát bệnh gút.
1. Chỉ số BMI (Body Mass Index)
BMI là chỉ số khối cơ thể, được tính bằng cân nặng của người đó (kg) chia cho bình phương chiều cao (đo theo mét). Chỉ số này xác định một người bị béo phì hay bị suy dinh dưỡng, không thể hiện được lượng chất béo có trong cơ thể.
Chỉ số BMI sẽ không chính xác ở vận động viên hoặc người tập thể hình (bởi các múi cơ luôn nặng hơn mỡ), khi đó chỉ số BMI sẽ nằm trong mức béo, không chính xác ở phụ nữ mang thai, đang cho con bú hay những người vừa ốm dậy (ỉa lỏng, mất nước cấp).
Bảng đánh giá chỉ số BMI ở người trưởng thành (trên 20 tuổi):
Dinh dưỡng, lao động, thể dục thể thao hợp lý duy trì chỉ số BMI ở mức độ chuẩn có hiệu quả cao trong dự phòng ngay từ giai đoạn tăng a-xít uric máu không triệu chứng, tránh khởi phát cơn gút cấp, không để xảy ra gút mạn tính. Người bị bệnh gút mạn nên có chỉ số BMI ở mức độ người gầy.
2. Chỉ số a-xít uric máu:
Chỉ số a-xít uric máu có giá trị đánh giá tác dụng của điều trị và là mục tiêu của điều trị bệnh gút, có ý nghĩa hỗ trợ chẩn đoán gút, không có giá trị chẩn đoán xác định bệnh gút vì: nếu a-xít uric máu bình thường cũng không loại trừ chẩn đoán bệnh gút, và nếu a-xít uric máu tăng cao không có triệu chứng lâm sàng cũng không thể chẩn đoán bệnh gút.
A-xít uric là sản phẩm trong chu trình chuyển hóa protit (đạm), A-xít uric được lọc qua thận và đào thải qua nước tiểu, một phần nhỏ qua phân. Chính a-xít uric trong máu tăng cao gây lắng đọng tinh thể hình kim tại khớp và gây gút cấp.
Ảnh minh họa: Internet
Chỉ số a-xít uric máu bình thường:
Nam giới: 200-420 mcmol/L (3.4-7.0 mg/dL) Nữ giới: 140-360 mcmol/L (2.4-6.0 mg/dL) Trẻ em: 20-330 mcmol/L (2.5-5.5 mg/dL)
Chú ý: Một số thuốc có thể làm thay đổi chỉ số a-xít uric trong máu và trước khi làm xét nghiệm a-xít uric 8 giờ, nên hạn chế dùng những thực phẩm làm tăng nhất thời a-xít uric trong máu như: tạng động vật, hải sản, thịt bò bê...
- Các thuốc có thể làm tăng nồng độ a-xít uric máu là: Adrenalin, acetaminophen, ampicillin, a-xít ascorbic, thuốc chẹn bêta giao cảm, caffein, các hóa chất điều trị ung thư, cyclosporin, diltiazem, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid, G-CSF, isoniazid, levodopa, lisinopril, methyldopa, niacin, thuốc kháng viêm không phải steroid, phenothiazin, rifampin, salicylat, sildenafil, theophyllin, warfarin.
- Các thuốc có thể làm giảm nồng độ a-xít uric máu là: Acetazolamid, allopurinol, aspirin(liều cao), chlorpromazin, corticosteroid, enalapril, estrogen, griseofulvin, lisinopril, lithium, mannitol, marijuana, probenecid, salicylat, verapamil, vinblastin.
3, Định lượng a-xít uric trong nước tiểu:
Xét nghiệm a-xít uric niệu nhằm mục đích:
- Thứ nhất: Định lượng a-xít uric trong nước tiểu 24 giờ, nhằm xác định tình trạng tăng bài tiết urat ( trên 600mg/24 giờ) hay giảm thải ( dưới 600mg/24 giờ). Nếu ở tình trạng tăng bài tiết a-xít uric niệu thì không được dùng nhóm thuốc hạ a-xít uric có cơ chế tăng đào thài ( ví dụ probenecid).
- Thứ hai: Từ nồng độ a-xít uric huyết thanh, nồng độ a-xít uric nước tiểu tính được độ thanh thải a-xít uric:
Hệ số này cho phép chẩn đoán phân biệt:
+ Tăng a-xít uric máu liên quan tới tình trạng tăng sản xuất (hệ số thanh thải a-xít uric bình thường hay tăng).
+ Tăng a-xít uric máu thứ phát do giảm thải trừ (hệ số thanh thải a-xít uric giảm).
4, Các xét nghiệm đánh giá chức năng thận và thăm dò lipid máu, đường máu:
Sau khớp, thận là cơ quan chịu ảnh hưởng nhiều của tình trạng lắng đọng tinh thế monosodium urat, vì vậy cần phải thăm dò chức năng thận một cách có hệ thống: Xét nghiệm định kỳ ure máu, creatinin máu, protein niệu 24 giờ, PH niệu, siêu âm thận. Các thăm dò này nhằm mục đích phát hiện sớm các bệnh của thận như: sỏi thận và đặc biệt là suy thận.
5, Chụp Xquang khớp tổn thương, xét nghiệm dịch khớp tìm tinh thể urat
- Xét nghiệm dịch khớp tìm tinh thể Urat cho chẩn đoán xác định bệnh Gút, nhưng xét nghiệm này thường ít thực hiện vì:
+ Kỹ thuật chọc hút dịch khớp (nhất là khớp nhỏ) rất khó thực hiện.
+ Phải có kính hiển vi phân cực để soi bệnh phẩm.
+ Xét nghiệm chỉ có giá trị chẩn đoán xác định, cho nên chỉ thực hiện một khi nhất định cần phải có chẩn đoán xác định , trong khi trên lâm sàng thường đã đủ điều kiện chẩn đoán.
- Chụp X quang thấy tổn thương nhưng ở giai đoạn muộn, thường đã đủ điều kiện chẩn đoán bệnh , Xquang chỉ còn có nghĩa xác định mức độ nặng nhẹ của tổn thương khớp.
BS. Đỗ Hữu Thảnh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!