Lưu ý khi cho bé bú
Nếu không cho bé bú đúng cách có thể gây khó chịu cho cả mẹ và bé: bé quấy khóc, mẹ bị căng sữa, đau rát vú và nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến mất sữa.
- Giữ trẻ: Nâng cằm bé chạm vào ngực, mũi không bị chặn, và đầu hơi ngả về sau. Nơi tiếp xúc với bầu ngực mẹ đầu tiên là cằm chứ không phải mặt
- Khuyến khích trẻ há miệng: Trước khi cho con bú, mẹ nên trò chuyện, khuyến khích con mở miệng như: “con ngoan, bé ngoan, mẹ cho con ti đây…” rồi mới đưa đầu ti vào miệng con
- Ngậm núm: Khi trẻ đã mở rộng miệng, hướng núm vú về vòm miệng. Bé sẽ ngậm núm và phần lớn nhũ hoa trong miệng.
Mẹ nên để bé ngậm toàn bộ phần núm và phần lớn nhũ hoa (ảnh minh hoạ).
- Tiếp tục cho bú: Mẹ không nên ép bé bú mà để con dùng bản năng tìm đầu ti hoặc ôm mẹ đòi bú. Hãy để cho bé bú liền một mạch đến khi ti mềm thì chuyển sang bầu ngực bên kia, thông thường khoảng 15 phút. Trong vài tuần đầu, nếu con chỉ bú một bên ti thì mẹ nên hút sữa ở ti bên kia để giảm áp lực và duy trì nguồn cung cấp sữa
- Kết thúc quá trình cho bú: Thường thì con sẽ tự ngưng bú và nhả ra. Trường hợp muốn ngưng cho trẻ bú, mẹ có thể nhẹ nhàng thò ngón út vào khóe miệng bé để làm ngưng động tác mút của bé. Lúc này, con cũng có thể cho mẹ biết mình còn đói hay không.
Quan sát biểu hiện của con để biết bé còn đói hay không (ảnh minh hoạ).
4 tư thế cho con bú đúng cách
Điều dưỡng Nguyễn Bích Hà, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc cho biết “Tư thế bú rất quan trọng và mỗi mẹ sẽ có thói quen cho bú khác nhau. Mẹ có thể lựa chọn một trong những tư thế phù hợp và thoải mái nhất để cho con bú như sau:
- Kiểu bế ngang
Tư thế bế ngang phù hợp nhất vào những ngày đầu cho con bú mẹ. Mẹ có thể ngồi thoải mái trên giường hoặc ghế có chỗ để tay, bế bé nằm ngang, hơi cong người lại, xuôi theo chiều cánh tay đỡ của mẹ sao cho cả thân hình và phần đầu của bé nằm trong cánh tay, lòng bàn tay mẹ. Lưu ý tránh gập hoặc duỗi thẳng người bé quá mức.
- Kiểu ru ngủ
Mẹ dùng cánh tay đỡ đầu con sao cho trùng với chiều của bên ngực cho con bú và để đầu của con vào chỗ khuỷu tay của mẹ. Mẹ nên ngồi thoải mái trên một chiếc ghế có tay vịn cùng với một chiếc gối ở tay để hỗ trợ.
- Mẹ sinh mổ
Với mẹ sinh mổ cũng cần có lưu ý riêng về tư thế cho con bú. Giữ con ở một bên ngực của mẹ sao cho khuỷu tay mẹ gập lại làm điểm tựa. Lòng bàn tay mẹ mở ra giữ đầu và cổ của bè hướng vào ngực mẹ. Mẹ cũng có thể đặt một chiếc gối và lòng mẹ để thoái mái hơn
- Cho bé bú nằm
Đây cũng là một trong những tư thế thoải mái và phổ biến nhất mà mẹ hay áp dụng. Mẹ nằm nghiêng về một bên, hướng mặt bé vào bầu ngực mẹ. Khi con đã ngậm vú đúng cách thì kê gối lên đầu để tạo cảm giác thoải mái hơn cho bé khi bú.”
Mỗi mẹ có tư thế cho bé bú khác nhau (ảnh minh hoạ).
Vấn đề thường gặp khi cho con bú
Khi cho bé bú, mẹ có thể gặp phải một số trường hợp như: đau núm vú, căng sữa, viêm vú...Mỗi trường hợp có thể là dấu hiệu cho thấy bé chưa được bú đúng cách và có cách xử trí riêng nên mẹ đừng lo nhé!
- Đau núm vú
Nếu núm vú nhìn như bị biến dạng hay kẹp khi con bú xong có thể do con ngậm vú chưa đủ sâu. Khi đó, mẹ nên khuyến khích con mở rộng miệng bằng cách cọ xát khu vực giữa mũi và môi trên bằng núm vú.
- Căng sữa
Khi ngực mẹ quá đầy, có cảm giác sưng và đau có thể khiến núm vú bị bẹp dẫn tới bé khó có thể ngậm được. Mẹ có thể nặn một ít sữa xung quanh chân núm, xoa bóp ngực nhẹ nhàng hay chườm nóng trước khi cho con bú và chườm lạnh sau khi bú để giảm khó chịu.
- Tắc sữa
Mẹ có thể sờ thấy một vài chỗ lồi hay mảng đỏ trên ngực, cảm thấy đau nhói thì nên cho con tiếp túc bên bầu ngực bị ảnh hưởng, đồng thời xoa bóp về phía núm vú. Ngoài ra, mẹ cũng nên chườm nóng để thông tắc tia sữa.
Mẹ có thế gặp phải một số bất thường trong thời gian cho bé bú (ảnh minh hoạ).
Như vậy có thể thấy việc cho bé bú cũng không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, nếu được những người có chuyên môn hay có kinh nghiệm hướng dẫn thì mẹ cũng không cần quá lo lắng nhé!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!