Khoa học chứng minh: Những đứa trẻ được bú sữa mẹ ít lo lắng hơn, có sự tập trung tốt hơn và kết bạn dễ dàng hơn khi lớn lên

Làm mẹ - 04/26/2024

Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đã theo dõi cuộc sống của gần 20.000 trẻ em được sinh ra từ năm 2000 đến năm 2002.

Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu của Anh đã tiến hành kiểm tra ảnh hưởng lâu dài của việc cho con bú khi con nhỏ tác động đến hành vi của trẻ ở độ tuổi 3, 5, 7, 11 và 14 như thế nào. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ từ 3 tháng trở lên được cho là ít gặp các vấn đề khi kết bạn, khả năng tập trung cũng như ít gặp những trở ngại về mặt xã hội và cảm xúc, chẳng hạn như lo lắng.

Cho con bú sữa mẹ không chỉ giúp trẻ phát triển thể chất, mà còn tác động lên cả sự phát triển xã hội cảm xúc của con

Cụ thể, tác giả chính của cuộc nghiên cứu, tiến sĩ Lydia Speyer – công tác tại Khoa Tâm lý học thuộc trường Đại học Edinburgh (Anh), đã cùng các cộng sự của mình theo dõi cuộc sống của gần 20.000 đứa trẻ được sinh ra ở Anh từ năm 2000 đến năm 2002.

Khoa học chứng minh: Những đứa trẻ được bú sữa mẹ ít lo lắng hơn, có sự tập trung tốt hơn và kết bạn dễ dàng hơn khi lớn lên

Những đứa trẻ được mẹ cho bú có điểm cảm xúc tiêu cực, sự tăng động, kém chú ý, và các mối quan hệ với bạn bè thấp hơn nhiều so với những đứa trẻ không được bú mẹ (Ảnh minh họa).

Các nhà nghiên cứu đã phân tích bảng câu hỏi về điểm mạnh và điểm yếu (SDQ) – một công cụ được xem là thước đo tinh thần của một đứa trẻ do chính trẻ, giáo viên và phụ huynh cung cấp thông tin. Bảng câu hỏi này sẽ xoay quanh vấn đề về hành vi như: cảm xúc tiêu cực, sự tăng động, kém chú ý, và các mối quan hệ với bạn bè.

Kết quả cho thấy rằng những đứa trẻ được mẹ cho bú có điểm SDQ thấp hơn nhiều so với những đứa trẻ không được bú mẹ, dù cho trình độ học vấn, tâm lý, tình trạng kinh tế, mối quan hệ trong gia đình của người mẹ như thế nào.

Tiến sĩ Lydia chia sẻ: 'Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng cho con bú sữa mẹ không chỉ có tác động tích cực đối với sự phát triển thể chất, mà nó còn tác động lên cả sự phát triển xã hội và cảm xúc của trẻ. Nghiên cứu này đã góp phần cung cấp thêm bằng chứng cho thấy việc cho con bú đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Tôi hy vọng điều này sẽ khuyến khích các bà mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời kể từ khi con được sinh ra'.

Khoa học chứng minh: Những đứa trẻ được bú sữa mẹ ít lo lắng hơn, có sự tập trung tốt hơn và kết bạn dễ dàng hơn khi lớn lên

Vì sao cho con bú lại quan trọng trong sự phát triển của trẻ?

Lý giải điều này, tiến sĩ Lydia cho biết có thể là việc cho con bú sẽ giải phóng oxytocin – 'hormone tình yêu' của tình mẫu tử. Hormone này có tác động tích cực đến tâm trạng và giảm căng thẳng ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, sữa mẹ còn chứa một số oxytocin cũng như các axit béo rất quan trọng cho sự phát triển của não bộ.

'Oxytocin là một loại hormone được sản xuất nhiều nhất trong quá trình sinh nở, chuyển dạ. Nó cũng đã được chứng minh là có vai trò trong việc gắn bó giữa mẹ và trẻ sơ sinh. Mặc dù chưa có nghiên cứu chuyên sâu về mối quan hệ giữa oxytocin với sự phát triển sau này của trẻ, nhưng tôi tin chúng có liên hệ với nhau', tiến sĩ Lydia nói.

Ngoài ra, Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) cũng đã đưa ra khuyến cáo: 'Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những cách hiệu quả nhất để đảm bảo sức khỏe và sự sống của trẻ em. Vì sữa mẹ là thức ăn lý tưởng cho trẻ sơ sinh, nó an toàn, sạch sẽ và chứa các kháng thể giúp bảo vệ con chống lại nhiều bệnh thông thường ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, trẻ em được nuôi bằng sữa mẹ thường đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra trí thông minh, ít bị thừa cân béo phì hoặc tiểu đường khi lớn lên'.

Do đó, các mẹ nên cho con bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời và nếu được hãy cho con bú đến khi con được 24 tháng.

Nguồn: Metro, DM

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!