Biết con bị lác khi còn ẵm ngửa, vợ chồng chị Dương luôn nghĩ điều này chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và lớn lên con sẽ tự khỏi. Mãi khi con 4 tuổi, thấy mắt bé càng lệch, chị cho con đi khám và lo lắng biết cháu bị gai thị, cần chữa sớm.
Chị Nguyễn Thùy Dương (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho biết, mắt của bé Hải Long, con trai chị khi mới chào đời hoàn toàn bình thường. Khi bé được vài tháng, thấy nhiều người nói trông mắt con có vẻ hơi hiếng, vợ chồng chị mới để ý và thấy đúng. Dù vậy, vợ chồng chị vẫn động viên nhau và nghĩ rằng rồi cháu lớn lên sẽ tự khỏi. Thế nhưng, càng lớn hai mắt bé càng lệch hẳn. Năm con 4 tuổi, chị cho bé đi khám thì bác sĩ cho biết, cháu bị gai thị và được chỉ định đeo kính, tập mắt để cải thiện. Tuy nhiên, sau một thời gian tập không thấy con đỡ, anh chị cũng buông xuôi.
Mãi năm ngoái, khi con vào lớp 1, thấy cháu hay bị bạn bè trêu chọc, lại nhìn rất kém, ảnh hưởng tới việc học hành, anh chị mới quyết tâm cho con đi chữa.
Hiện tại, sau hơn một tháng phẫu thuật chỉnh mắt lác, mắt bé Long hầu như đã trở lại bình thường.
Đôi mắt trẻ bình thường là mong ước của nhiều bố mẹ
Tiến sĩ nhãn khoa Puzyrevskiy Konstantin Konstantin, khoa Nhi, Bệnh viện Mắt Việt Nga cho biết, lác là một loại bệnh gây rối loạn vị trí vận nhãn của nhãn cầu, khiến rối loạn chức năng thị giác của hai mắt. Khi một mắt bị lác, 2 tròng mắt không thể cùng nhìn về một hướng, một mắt nhìn vào chỗ trẻ muốn còn mắt kia sẽ nhìn vào nơi khác.
Theo bác sĩ Konstantin, sau khi ra đời, sự phối hợp giữa hai mắt của trẻ chưa hoàn chỉnh, nên trong một thời gian ngắn (thường khoảng 6 tháng) có thể xuất hiện lác luân hồi, tức mắt lúc lác lúc không. Tuy nhiên, sau 6 tháng, 2 mắt đã bắt đầu phối hợp với nhau, thị giác 2 mắt đã hoạt động, vị trí 2 nhãn cầu trở nên ổn định. Nếu sau độ tuổi này độ lác vẫn tồn tại thì trẻ cần được khám mắt ngay, vì lác không chỉ là một bệnh riêng biệt, mà còn có thể là dấu hiệu của những bệnh khác như đục thể thủy tinh, glaucoma, viêm màng bồ đào bẩm sinh, bệnh lý thần kinh thị giác.
Có khoảng 2-3% dân số bị lác mắt. Phần lớn các bệnh nhân lác phát hiện bệnh từ nhỏ và đây cũng chính là độ tuổi hợp lý nhất để điều trị.
Theo tiến sĩ Konstantin, lác có thể chia thành hai nhóm chính là lác đồng hành và lác liệt.
Lác đồng hành thường xuất hiện khi trẻ còn nhỏ. Trong trường hợp này, tất cả các cơ vận nhãn hoạt động bình thường, nhưng vì một lý do nào đó không có sự phối hợp giữa các cơ này.
Điều trị lác đồng hành bắt đầu từ việc xác định tình trạng khúc xạ của mắt. Nếu có tật khúc xạ, trẻ sẽ được chỉnh kính và cấp kính. Nếu độ lác biến mất sau khi đeo kính thì đó là lác điều tiết, nếu không thì gọi là lác không điều tiết (trường hợp này cần phẫu thuật tốt nhất khi trẻ 4-6 tuổi)
Một nhóm bệnh lác khác là lác liệt, khi một cơ hoặc một nhóm cơ vận nhãn bị liệt. Đây là nhóm lác hay gặp ở các bệnh nhân hội chứng Down và Brown. Lác liệt có thể chỉ được phát hiện khi đưa mắt về một hướng nào đó. Phẫu thuật hiệu quả trong nhóm bệnh này.
'Trẻ bị lác thường dễ dàng phát hiện bằng mắt thường. Tuy nhiên, trong những trường hợp không rõ ràng, bố mẹ có thể chụp ảnh cho con. Khi ánh sáng chiếu vào mắt, nếu hai đồng tử rơi vào giữa hai tròng đen thì là bình thường, còn nếu nó nằm chệch đi, chứng tỏ bé bị lác. Ngoài ra, bố mẹ nên cho con đi khám định kỳ, sớm phát hiện được những bất thường về mắt của con, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc do điều trị không kịp thời', bác sĩ khuyến cáo.
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!