Chú ý bảo vệ con yêu khi nhiều bệnh đang vào cao điểm

Nuôi dạy con - 03/29/2024

Để phòng ngừa bệnh dịch và hạn chế tối đa sự lây nhiễm chéo, các gia đình có trẻ nhỏ cần hết sức thận trọng trong quá trình chăm sóc trẻ.

Ngăn chặn sốt xuất huyết tấn công

Chỉ trong 1 tuần đầu tháng 10, cả nước đã có hơn 40.000 ca mắc sốt xuất huyết. Dịch bùng phát khắp 53 tỉnh thành, các bệnh viện từ tuyến huyện đến trung ương đều trong tình trạng quá tải vì bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện. Số lượng bệnh nhi nhập viện không hề nhỏ. Sốt xuất huyết gây ra do siêu vi trùng Dengue xuất hiện chủ yếu ở loài muỗi vằn hút máu từ người bệnh truyền sang người lành. Bệnh có thể khỏi sau 7 - 10 ngày nếu phát hiện kịp thời và điều trị đúng phác đồ. Trẻ nhỏ trong độ tuổi 3 - 10 tuổi là đối tượng dễ mắc sốt xuất huyết do chưa có ý thức chủ động vệ sinh, chưa có khả năng phòng vệ nên dễ dàng bị muỗi tấn công.

Các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý, trẻ sốt xuất huyết cần được nhanh chóng xác định bệnh càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong 3 ngày đầu, kể từ khi có dấu hiệu sốt. Nếu trẻ đang sống trong vùng dịch hoặc xung quanh có người mắc bệnh thì cần nghĩ ngay đến việc trẻ có khả năng đã bị sốt xuất huyết. Đồng thời quan sát các dấu hiệu lâm sàng trong 3 ngày đầu tiên.

- Ngày 1: Trẻ sốt cao đột ngột, liên tục, mặt đỏ, họng đỏ nhưng không đau.

- Ngày 2: Trẻ tiếp tục sốt cao. Gia đình cần kiểm tra cơ thể trẻ xem có các dấu hiệu xuất huyết trên da không.

- Ngày 3: Các nốt xuất huyết rõ ràng, nhiều trẻ còn bị xuất huyết ở các vùng niêm mạc gây chảy máu chân răng, chảy máu mũi. Nếu xét nghiệm nhanh sốt xuất huyết có thể cho kết quả vào ngày thứ 3.

Việc nhanh chóng phát hiện bệnh và chuyển trẻ đến cơ sở y tế để được chỉ định điều trị giúp bệnh nhi sớm bình phục và giảm nguy cơ các biến chứng.

Chú ý bảo vệ con yêu khi nhiều bệnh đang vào cao điểm

Muỗi là thủ phạm gây sốt xuất huyết (Ảnh: Internet)

Viêm đường hô hấp luôn chờ chực đe dọa trẻ

Không khí lạnh tăng cường, kèm theo mưa ẩm tạo điều kiện cho các bệnh viêm đường hô hấp tăng nhanh ở trẻ nhỏ. Các bé từ 0 - 36 tháng tuổi có nguy cơ mắc viêm mũi-họng, viêm VA, viêm phế quản, thậm chí là viêm phổi trong những ngày thời tiết lạnh. Khi thấy trẻ có dấu hiệu thở khò khè, nước mũi đặc, ho khan, hoặc ho có đờm, kèm theo sốt, biếng ăn, cha mẹ cần đưa trẻ đến chuyên khoa tai-mũi-họng để thăm khám kịp thời. Ngoài ra, nhiệt độ trong ngày thay đổi nóng - lạnh thất thường. Bên cạnh đó, giai đoạn đầu tháng 9 - 10 là thời điểm bệnh cảm cúm bùng phát vì vậy không ít trẻ mắc bệnh vào những ngày này. Cảm cúm dễ lây lan và cũng dễ điều trị, nhưng gia đình có trẻ mắc bệnh tuyệt đối không được chủ quan, coi thường bệnh.

Khi mắc cúm, cơ thể trẻ sốt, ho, chảy nước mũi, hắt hơi liên tục, cơ thể mệt mỏi nên ăn uống kém. Bố mẹ có thể chăm sóc và điều trị cho trẻ tại nhà theo đơn thuốc của bác sĩ và tích cực bồi dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch để các bé sớm bình phục trong 5 - 7 ngày.

Viêm kết mạc (Đau mắt đỏ)

Cha mẹ không thể coi thường đau mắt đỏ vì thời điểm giữa thu bệnh thường có nguy cơ bùng phát cao. Trẻ bị viêm kết mạc có biểu hiện rõ nhất là mắt đỏ, có nhiều ghèn mắt, mí mắt sưng, chảy nước mắt… khiến trẻ rất khó chịu. Nếu chưa có ý thức, nhiều bé lấy tay dụi mắt khiến bệnh nặng hơn. Một số trẻ bị đau mắt đỏ có giả mạc cần phải được đưa đến bệnh viện để bác sĩ can thiệp và xử lý.

Tiêu chảy ở trẻ em

Vào mùa thu đông, trẻ nhỏ rất dễ tiêu chảy do vi-rút Rota. Các biểu hiện trẻ ho, sốt… khiến phụ huynh dễ nhầm với các bệnh viêm đường hô hấp. Ngay khi phát hiện trẻ bị tiêu chảy, gia đình cần nhanh chóng bù nước cho trẻ, uống thuốc và thực hiện các biện pháp vệ sinh để bệnh sớm ổn định.

Chú ý bảo vệ con yêu khi nhiều bệnh đang vào cao điểm

Khi trẻ nhiễm bệnh, cha mẹ có thể điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ (Ảnh: Internet)

Lưu ý chăm sóc trẻ khi cao điểm bệnh dịch

- Tiêm phòng cúm cho trẻ trên 6 tháng tuổi, mỗi năm 1 lần để đề phòng lây nhiễm cúm.

- Cho trẻ súc miệng-họng, nhỏ thuốc mũi, mắt nhiều lần trong ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Đảm bảo vệ sinh tay thường xuyên, rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn hoặc hướng dẫn trẻ sử dụng nước rửa tay khô.

- Vệ sinh sạch sẽ phòng ở, khu vực xung quanh nhà, phát quang bờ bụi, dọn sạch các nơi ẩm thấp, tù đọng nước và tạo cơ hội để muỗi trú ẩn, sinh sôi.

- Sử dụng các biện pháp diệt muỗi như phun thuốc chống muỗi, phun dung dịch Cloramin B để tẩy trùng.

- Cho trẻ cách ly với người mắc bệnh hoặc chăm sóc trẻ mắc bệnh ở khu vực riêng. Nên cho trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn trong thời gian điều trị, tránh trường hợp để trẻ mắc bệnh đến trường học lây nhiễm cho các trẻ khác.

- Tránh đưa trẻ đến nơi công động, tụ tập đông người, đeo khẩu trang y tế để phòng ngừa nguy cơ lây bệnh qua đường hô hấp.

- Tăng cường chế độ dinh dưỡng trong thời gian chăm sóc trẻ mắc bệnh và sau bình phục.

Thanh Lê

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!