Chụp ảnh 'tự sướng' và những hệ lụy

Kỹ năng sống - 04/29/2024

Hiểu một cách trực tiếp hơn là khi không thường xuyên sử dụng trí nhớ dài hạn, nó chắc chắn sẽ bị mài mòn theo thời gian.

Ngày nay, điện thoại không chỉ dừng lại với chức năng nghe gọi phổ thông, nó còn được trang bị tính năng chụp ảnh ưu việt, cũng như tích hợp sâu mạng xã hội giúp người sử dụng dễ dàng chia sẻ thông tin. Nhưng chính điều này đã mang đến cho xã hội chúng ta một vấn đề đáng lo ngại, đó là chứng 'nghiện chia sẻ'.

Có thể bạn nghĩ rằng, ghi lại tất cả những gì xảy ra xung quanh là phương pháp hữu hiệu để lưu giữ những khoảnh khắc tươi đẹp nhất trong cuộc sống. Tuy nhiên, nghiên cứu của nhà tâm lí học Linda Henkel thuộc Đại học Fairfield (2014) cho thấy, việc sử dụng chức năng chụp ảnh không những không giúp bạn trong việc lưu giữ những khoảnh khắc vô giá mà còn gây ra chứng đãng trí.

Nhìn chung, các nhà tâm lí học đều hiểu lợi ích của việc sử dụng khả năng ghi nhớ trong việc 'ghim' lại bất cứ thứ gì bạn cần trong một đống âm thanh và hình ảnh đầy hỗn độn bạn nhận được trong 1 giây. Nếu bạn muốn nhớ một gương mặt, cùng tên của người nào đó; lúc này 'nỗ lực nhận thức' tỏ ra hiệu quả hơn bất cứ phương pháp nào. Điều này có nghĩa là, bạn 'liên kết' những điều đặc biệt trên khuôn mặt của một người mà từ đó có thể giúp bạn nhớ được tên của họ. Ví dụ, một người bạn mới quen tên là Norton có cái mũi 'quá khổ'. Bạn có thể nhớ tên bằng cách ghi thành 'no's' (mũi của Norton). Bằng cách này, bạn dễ dàng nhớ tên của bất cứ ai cho dù bạn không gặp người ấy sau 6 tháng.

Chụp ảnh 'tự sướng' và những hệ lụy

Ảnh minh họa

Hãy ra ngoài mà không mang theo máy ảnh

Trong một sự kiện, khi bạn muốn lưu lại tất cả những khoảnh khắc đáng nhớ để sau này có thể xem lại. Đầu tiên, bạn kích hoạt chế độ quay video ở điện thoại thông minh/máy quay video chuyên dụng, và hiển nhiên toàn bộ thời gian của sự kiện bạn chỉ chăm chú vào việc làm như thế nào để mọi thứ rực rỡ và hoành tráng nhất có thể. Tuy nhiên, thay vì trải nghiệm những khoảnh khắc thú vị, bạn lại lãng phí cho những thứ 'hiện đại mà hại điện'. Chưa kể đến trường hợp ấn nhầm nút, hay các cài đặt gặp sự cố, bạn thực sự mất cả chì lẫn chài.

Vấn đề chỉ trở nên đáng lên án khi bản thân bạn tiêu tốn quá nhiều năng lượng tinh thần để thu lại 'khoảnh khắc vô giá' vào thiết bị công nghệ thay vì 'ghim' trực tiếp nó vào bộ nhớ. Điều này dẫn đến hệ lụy là 'khổ chủ' ngày càng gặp khó khăn trong việc ghi nhớ những mốc thời gian quan trọng. Nguyên lí 'luôn luôn ghi nhớ, luôn luôn thấu hiểu' có lẽ chưa bao giờ lạc hậu ít nhất trong trường hợp này. Hiểu một cách trực tiếp hơn là khi không thường xuyên sử dụng trí nhớ dài hạn, nó chắc chắn sẽ bị mài mòn theo thời gian.

Chỉ riêng năm 2014, người ta chụp khoảng 800 tỉ bức ảnh trên toàn thế giới, trong đó cứ 1 phút lại có hơn 200.000 bức được tải lên mạng xã hội Facebook. Nhiều khi con người quan trọng hóa mọi vấn đề, nhưng trớ trêu thay họ chẳng nhớ gì về những vấn đề họ 'cho vào tầm ngắm' ấy bởi họ còn bận thu nó vào 'màn hình nhỏ'. Trong số những bức hình trên, đa phần là hình 'tự sướng' chụp bằng cách đưa máy quay về phía mặt mình. Việc 'tự sướng' có thể trở nên đặc biệt nguy hiểm bởi nó làm bạn mất tập trung vào những điều chỉnh của máy ảnh thay vì để ý đến những thứ quan trọng hơn.

Chụp ảnh 'tự sướng' và những hệ lụy

Ảnh minh họa

Để kiểm chứng giả thuyết trên, Henkel đã sắp xếp một thí nghiệm như sau:

Cô để một vài sinh viên tham gia chuyến du lịch bảo tàng cùng với yêu cầu chụp 15 bức tranh nghệ thuật và quan sát 15 người khác không chụp những bức tranh trên. Mỗi sinh viên có 30 giây để quan sát bức tranh họ không chụp, nhưng khi quyết định chụp một bức tranh họ phải phân chia thời gian hợp lí với 20 giây quan sát vật thể và 10 giây để chụp.

Ngày tiếp theo, Henkel cho sinh viên làm một bài kiểm tra đánh giá khả năng ghi nhớ. Họ cần 'ghim' lại những bức tranh đáng nhớ nhất. Và kết quả không nằm ngoài dự đoán, những sinh viên này chỉ nhờ được một số ít hình kèm theo những thông tin liên quan.

Trên thực tế, tất cả đều sở hữu một quỹ thời gian như nhau, nhưng có những người dành quá nhiều thời gian để 'dàn cảnh' để có những bức ảnh 'để đời' và thật rực rỡ mà không hề biết những người xung quanh đang tận dụng từng khắc thời gian ấy để thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên hay cuồng nhiệt trên khán đài trận bóng rổ.

Nhưng có một vấn đề nảy sinh, nếu có người thay vì chụp toàn bộ bức ảnh lại phóng to lên và chỉ thu lại một phần nhỏ. Trong trường hợp này, Henkel nhận ra rằng, những sinh viên chú ý đến phần nhỏ của bức ảnh không chỉ nhớ chi tiết về phần nhỏ ấy mà còn nhớ toàn bộ nội dung toàn bức tranh. Từ đó, cô đi đến kết luận, để cải thiện khả năng ghi nhớ, hãy chú ý đến điểm đặc biệt nhất của vật thể để làm nền khôi phục nội dung toàn cảnh.

Thông điệp của nghiên cứu chỉ đơn giản là một lời khuyên cho những ai quá chú tâm vào 'tự sướng', một việc chỉ khiến khả năng ghi nhớ bị 'thui chột' qua từng ngày. Thay vào đó, hãy chú ý đến những tiểu tiết quan trọng của vấn đề bởi bức ảnh hay video dù đẹp cỡ mấy cũng có thể mất đi trong một ngày đẹp trời, nhưng kí ức lưu trữ trong bạn thì luôn sống động, tươi nguyên và tất nhiên, chúng hoàn toàn có thể theo bạn đến cuối cuộc đời.

Ngọc Luyện (Theo Psychologytoday)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!