Có cần sử dụng khẩu trang N95 phòng virus Corona?

Thời sự - 05/04/2024

Xung quanh dịch viêm phổi do virus Corana, nhiều ý kiến cho rằng phải mua khẩu trang N95 để phòng bệnh và virus này sẽ chết ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này không hoàn toàn chính xác.

Có cần sử dụng khẩu trang N95 phòng virus Corona?

Khẩu trang N95 mới bảo vệ an toàn ?

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA, trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều người đổ xô đi mua khẩu trang từ đơn giản như khẩu trang y tế đến đặc biệt hơn và mắc tiền hơn là khẩu trang N95 được cho là có thể lọc bụi có đường kính từ 300-750 nano mét.

'Các bạn nên nhớ virus có cấu trúc rất đơn giản và có kích thước rất nhỏ, trung bình khoảng 100 nanô mét. Với kích thước này chuyện virus lọt qua khẩu trang N95 là chuyện bình thường. Tuy nhiên, mục đích thực sự của khẩu trang trong việc ngăn ngừa việc truyền nhiễm bệnh là ngăn ngừa các hạt nước (droplet) có chứa virus văng ra từ người bệnh qua việc hắt xì hoặc ho', bác sĩ cho biết.

Theo một nghiên cứu năm 2013 thì các hạt dịch này có kích thước từ khoảng 75 đến 360 micro mét (1 micro mét = 1000 nano mét), do đó có thể dễ dàng bị giữ lại bởi các khẩu trang y tế thông thường với khả năng lọc hiệu quả các hạt có kích thước 5 micro mét trở lên.

Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2016 về 'hiệu quả của khẩu trang N95 so với khẩu trang y tế trong việc bảo vệ nhân viên y tế khỏi nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính' cho thấy, 'không đủ dữ liệu để chứng minh N95 tốt hơn'.

Vì thế, TS Vũ khuyến cáo không nên tốn tiền mua khẩu trang N95 (nếu khả năng kinh tế và tình hình thực tế không cho phép), các bạn có thể sử dụng khẩu trang y tế đúng cách (che hết nửa mặt từ trên mũi và đến cằm, sử dụng 1 lần) là cũng đã rất hiệu quả.

Virus chết ở nhiệt độ trên 25°C?

Đây là nhận định sai lầm, TS Vũ cho rằng cơ thể của con người lúc nào cũng duy trì ở nhiệt độ 37°C và lúc sốt chúng ta có thể lên đến 40°C hoặc hơn. Ở nhiệt độ đó virus vẫn có thể sống tốt trong cơ thể vật chủ. Virus chỉ chết trong cơ thể khi hệ miễn dịch của chúng ta nhận biết ra chúng, tấn công tiêu diệt chúng và các tế bào chứa chúng.

Bên ngoài môi trường vật chủ, virus sẽ dễ bị chết sớm, thông thường chúng chết chỉ trong vài phút cho đến vài giờ. Tuy nhiên, ở các điều kiện môi trường như nhiệt độ thấp và độ ẩm thấp có thể kéo dài thời gian chúng sống. Trong một nghiên cứu năm 2011 về khả năng sống của virus SARS ngoài môi trường thì người ta cho thấy virus khô trên bề mặt nhẵn giữ được khả năng tồn tại trong hơn 5 ngày ở nhiệt độ 22-25°C, độ ẩm 40-50% (đây là môi trường phòng máy lạnh). Tuy nhiên, khả năng sống của virus bị giảm nhanh chóng ở nhiệt độ cao và độ ẩm cao hơn (ví dụ: 38°C và độ ẩm > 95% làm khả năng sống của virus giảm hơn 1000 lần). Ánh sáng mặt trời cũng là một nguồn năng lượng tốt để tiêu diệt virus ở ngoài tự nhiên. Do vậy, đây cũng là một điều đáng mừng cho những nước có khí hậu nóng ẩm và có nhiều nắng như ở Việt Nam trong việc hạn chế thời gian tồn tại của virus này ở môi trường ngoài cơ thể.

Rửa tay bằng xà phòng

Còn bác sĩ Trương Hoàng Hưng – hiện là bác sĩ Nhi khoa và BS giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ, cho biết các hỗn hợp sát khuẩn chứa 75% alcohol, chất sát khuẩn có chứa chlrorine và peroxyacetic có hiệu quả tốt tiêu diệt virus này.

Biện pháp tốt nhất là rửa tay với xà phòng hay dung dịch sát khuẩn trong ít nhất 20 giây, sẽ tiêu diệt gần hết mầm bệnh trên tay.

Dùng dung dịch sát khuẩn vẫn có hiệu quả diệt khuẩn, nhưng điều khác biệt chủ yếu là thời gian diệt khuẩn.

Theo một nghiên cứu gần đây, dung dịch diệt khuẩn phải mất khoảng 3-4 phút mới xuyên qua lớp chất nhầy của đường hô hấp và bất hoạt virus cúm mùa, trong khi rửa tay thì loại bỏ virus ngay lập tức.

Phát hiện này có thể làm thay đổi cách mà các nhân viên y tế sát khuẩn giữa các bệnh nhân trong phòng khám, nếu vừa khám xong một bệnh nhân cúm, xịt dung dịch diệt khuẩn lên tay rồi đi khám bệnh nhân khác ngay lập tức, nhất là trẻ sơ sinh, chúng ta có thể đem virus cúm sang trẻ sơ sinh này nên phải cẩn thận.

'Xà phòng thường không có tác dụng diệt khuẩn, dùng để tắm rửa cho sạch thôi, cho nên rửa tay thì nên dùng xà phòng diệt khuẩn', bác sĩ cho biết.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!