Có thai mà tưởng bị rối loạn tiền đình, tiêu hóa!

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Kết hôn 2 năm mà chưa ‘có gì’, vợ chồng chị T.T.B.A (34 tuổi; TP HCM) đã đi khám hiếm muộn ở vài bệnh viện (BV), dùng nhiều loại thuốc đông lẫn tây y.

Sau gần 1 năm, chị A. bị tác dụng phụ khá nặng do số thuốc đã sử dụng nên 2 vợ chồng tạm ngưng hành trình kiếm con. Sau 4 tháng ‘nghỉ ngơi’, chị trở nên mệt mỏi và có lần đã ngất ở công ty.

Nghĩ rằng mình bị rối loạn tiền đình nên chóng mặt, buồn nôn, chị đi khám và được chẩn đoán là… có thai. Vẫn không tin, chị A. đến BV Từ Dũ để siêu âm. Hình ảnh thai nhi 15 tuần tuổi hiện lên trên màn hình khiến 2 vợ chồng vừa mừng vừa bất ngờ.

Tại các BV, phòng khám sản khoa, các trường hợp như chị A. không phải là hiếm. Thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, bị các dấu hiệu bệnh lý che lấp dấu hiệu mang thai hay rơi vào những tình huống đặc biệt khiến cơ thể ít có sự thay đổi là các lý do phổ biến khiến họ chậm hoặc không biết mình đang mang thai.

Cá biệt hơn, có những trường hợp… đến khi sinh con mới biết có thai. Vào cuối năm 2015, một cô gái 21 tuổi bị đau bụng dữ dội nhưng chỉ nghĩ là do vấn đề tiêu hóa. Thế nhưng, khi đến một BV ở TP HCM cấp cứu, cô lại sinh một đứa bé ở tuần thai 34.

Có thai mà tưởng bị rối loạn tiền đình, tiêu hóa!

Nhiều người không biết mình có thai (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trên thế giới, nhiều trường hợp hy hữu cũng được ghi nhận. Chẳng hạn như vận động viên marathon Trish Staine, bang Minnesota - Mỹ, bất ngờ sinh con sau 2 giờ luyện tập vào năm 2013; hay nữ võ sĩ Pamela Vugts (Anh) sinh con cách đây vài năm khi phải nhập viện vì bị ra nhiều máu trong một trận kick-boxing.

Hai nữ vận động viên này đều luyện tập rất nặng và vẫn thi đấu trong suốt thai kỳ vì không hề biết mình có thai.

Theo một bài viết mới đây của giáo sư nghiên cứu về hộ sinh Helen Cheyne, ĐH Stirling (Scotland, Anh), trên tạp chí khoa học The Conversation, việc một phụ nữ không biết mình mang thai nghe có vẻ khó tin nhưng ước tính mỗi năm có đến 2.500 trường hợp như vậy trên toàn thế giới!

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, việc không nhận biết hay chậm nhận biết mang thai còn có thể do sự thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, nhiều trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn bị rơi vào trường hợp này chứ không hẳn là các em muốn giấu, dẫn đến việc không chăm sóc tốt cho mẹ và bé vào thời gian đầu thai kỳ.

Bác sĩ Thông lưu ý chị em rằng nếu có sức khỏe bình thường, có quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn thì họ có thể có thai bất kỳ lúc nào.

Cách dễ dàng nhất để test việc mang thai là dùng que thử thai mua tại nhà thuốc. Có trường hợp que thử đã cho kết quả chính xác sau 1 tuần đến 10 ngày quan hệ nhưng cũng có khi phải vài ngày sau trễ kinh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!