Có thông tin chưa chính xác về kiến nghị của BV Đà Nẵng về điều trị nCoV

Thời sự - 11/24/2024

TS.BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, có thông tin báo chí đưa chưa chính xác kiến nghị của BV này trong buổi làm việc tối 30/1 với lãnh đạo Bộ Y tế về việc điều trị bệnh nhân dịch bệnh Corona

BV Đà Nẵng đủ năng lực điều trị tại chỗ cho bệnh nhân dịch Corona

Có thông tin báo chí cho hay, tại buổi làm việc tối 30/1 với đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu, TS.BS Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đà Nẵng 'kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn, cho phép điều trị ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Corona (nCoV) đầu tiên (nếu có) xảy ra trên địa bàn miền Trung, thay vì chọn BV Trung ương (TƯ) Huế, như vậy phù hợp hơn với tình hình thực tế'.

Có thông tin chưa chính xác về kiến nghị của BV Đà Nẵng về điều trị nCoV

Khu vực cách ly đặc biệt để thu dung, điều trị bệnh nhân nCoV (nếu có) của BV Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Tuy nhiên trao đổi với PV Infonet sáng 31/1, TS.BS Lê Đức Nhân khẳng định thông tin trên đã chuyển tải không chính xác phát biểu kiến nghị của ông với đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lúc 21h tối 30/1. Trước buổi làm việc này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đã kiểm tra tại nhà ga T2 sân bay quốc tế Đà Nẵng và BV Đà Nẵng về quy trình phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh nCoV.

TS.BS Lê Đức Nhân cho hay, BV Đà Nẵng đã thành lập 4 đội phòng chống dịch, mỗi đội có bác sĩ khoa y học nhiệt đới, cấp cứu đa khoa và các bộ phận kèm theo. BV cũng lập đường dây nóng 24/24 để tư vấn khám qua điện thoại và trong trường hợp có dấu hiệu, sẽ hẹn bệnh nhân đến khám.

Toàn bộ hệ thống của BV Đà Nẵng được trang bị 1 chiều để phục vụ cho việc thu nhận bệnh nhân và cách ly với đầy đủ các trang thiết bị phòng bộ. UBND TP Đà Nẵng cũng quyết định chi gần 20 tỉ đồng mua sắm bổ sung 01 hệ thống ECMO; 10 máy thở; 10 monitoring theo dõi bệnh nhân; 30 bơm tiêm điện; 02 máy thở di động; 30 máy truyền dịch; 10 máy nuôi ăn; 01 máy X-quang di động cho BV Đà Nẵng để chủ động phòng, chống dịch bệnh nCoV.

Đến thời điểm này, BV Đà Nẵng đã tiếp nhận 51 trường hợp nghi nhiễm nCoV. Trong đó có 1 trường hợp phát hiện ở sân bay, các trường hợp khác tiếp xúc với người nước ngoài, nhân viên nhà hàng… có biểu hiện ho sốt, đến BV thực hiện cách ly. Qua rà soát dịch tể đã lấy mẫu xét nghiệm đối với 39 trường hợp, đến nay 28 mẫu âm tính, 4 mẫu ngày 31/1 có kết quả, còn lại 7 mẫu khác bệnh nhân hết sốt, yếu tố dịch tể không còn.

'Với việc chủ động triển khai xây dựng các tình huống và trang bị đầy đủ thiết bị máy móc, BV Đà Nẵng tự nhận thấy có đủ năng lực nên tại buổi làm việc tối 30/1, chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế cho phép điều trị tại chỗ cho các bệnh nhân nCoV (nếu có) trên địa bàn mà không phải chuyển bệnh nhân ra BVTƯ Huế theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Hoàn toàn không phải chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế cho phép đưa ca bệnh đầu tiên (nếu có) xảy ra ở các địa phương khác trên địa bàn miền Trung về BV Đà Nẵng điều trị thay vì chọn BVTƯ Huế. Thông tin nêu như vậy là chưa chuyển tải chính xác kiến nghị của chúng tôi và có thể khiến có người hiểu lầm BV Đà Nẵng 'giành' bệnh nhân nCoV từ nơi khác về!' – TS.BS Lê Đức Nhân nói với PV Infonet sáng 31/1.

Ông cũng cho biết, qua kiểm tra thực tế tại chỗ cũng như làm việc với lãnh đạo Sở Y tế và BV Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định BV Đà Nẵng đầy đủ năng lực để điều trị tại chỗ cho bệnh nhân nCoV (nếu có). Vì vậy, lãnh đạo Bộ Y tế sẽ giao bộ phận chuyên môn của Cục Quản lý khám chữa bệnh điều chỉnh, cập nhật, bổ sung chỉ đạo của Bộ Y tế bằng các thông báo mới.

Phải áp dụng phương châm '4 tại chỗ' như phòng, chống bão lũ

Nguyên do kiến nghị nêu trên của BV Đà Nẵng, theo TS.BS Lê Đức Nhân, là hiện nay Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các địa phương khi phát hiện các ca bệnh dương tính với nCoV thì chuyển về một số tuyến. Chẳng hạn tại miền Trung (từ Tuy Hòa đến Quảng Bình) chuyển về BVTƯ Huế; khu vực phía Bắc chuyển về BV Bạch Mai, BV Nhiệt đới TƯ, Viện Nhi TƯ tại Hà Nội; khu vực phía Nam chuyển về BV Chợ Rẫy, BV Y học nhiệt đới, BV Nhi đồng 1… ở TP.HCM.

'Tuy nhiên BV Đà Nẵng nhận thấy, đối với những trường hợp dương tính với nCoV hoặc bệnh nặng, nếu năng lực của BV tuyến cuối tại địa phương đủ điều kiện phương tiện, thiết bị, con người thì có thể cho phép điều trị tại chỗ, vì vận chuyển bệnh nhân từ địa phương này qua địa phương khác là vấn đề rất phức tạp cần phải đặt ra.

Nếu có trường hợp dương tính với nCoV thì đằng nào ca bệnh đó cũng ở mình rồi, nếu mình chuyển đi thì phải tính toán trong quá trình vận chuyển như thế nào, rồi bảo hộ, phòng hộ khi vận chuyển, an toàn cho người bệnh, an toàn của nhân viên y tế trong quá trình vận chuyển; rồi mức độ lây lan… mà nếu không tính toán kỹ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề rất phức tạp.

Do vậy chúng tôi kiến nghị thay vì vận chuyển bệnh nhân nCoV (nếu có) từ Đà Nẵng ra BVTƯ Huế thì Bộ Y tế kiếm tra xem năng lực của BV Đà Nẵng có thế điều trị tại chỗ cho bệnh nhân được hay không? Bộ Y tế cần kiểm tra chỗ nào có năng lực trang thiết bị, con người đầy đủ thì có văn bản cho phép điều trị tại chỗ chứ không cần phải vận chuyển bệnh nhân đến các BV tuyến TƯ như nêu trên!'– TS.BS Lê Đức Nhân nói.

Theo ông, với các ca bệnh hiếm thì phải đưa lên BV tuyến TƯ để có điều kiện tập trung nghiên cứu; còn khi đã xảy ra dịch thì đương nhiên phải thực hiện phương án tại chỗ, giống như phương châm '4 tại chỗ' trong phòng chống lụt bão. Do vậy, phương án tại chỗ phải được đặt ra và tính toán kỹ lưỡng để các BV đều có trách nhiệm nâng cao năng lực điều trị tại chỗ.

'Khi xảy ra dịch thì BVTƯ Huế lấy chỗ đâu để tiếp nhận, điều trị cho toàn bộ bệnh nhân của khu vực miền Trung này được. Vì vậy, việc triển khai phương án tại chỗ sẽ vừa đảm bảo an toàn cho người bệnh, vừa giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Tất nhiên những ca đầu tiên phải đưa về BV tuyến TƯ trước, nhưng sau đó phải tính đến các BV tuyến cuối của các tỉnh, thành.

BV có đủ năng lực điều trị tại chỗ hay không thì phải được Bộ Y tế thẩm định, như đoàn công tác của Bộ Y tế vừa vào thẩm định tại BV Đà Nẵng tối 30/1. Có đủ năng lực thì mới được điều trị, chớ không phải giao cho anh điều trị mà anh làm lây nhiễm tràn lan ra thì càng phức tạp hơn nữa. Nhưng nếu cứ có bao nhiêu bệnh nhân đều dồn hết về các BV tuyến TƯ thì cũng không ổn!' – TS.BS Lê Đức Nhân nói.

Ông cũng nêu rõ, trước đây BV Đà Nẵng cũng đã triển khai phương án tại chỗ khi xảy ra dịch suy hô hấp cấp SARS. Và lần này, BV Đà Nẵng cũng quyết tâm bằng mọi giá điều trị tại chỗ cho bằng được đối với các bệnh nhân nCoV (nếu có). 'Tăng cường năng lực xử lý, điều trị tại chỗ mới là vấn đề dập dịch chính, chứ cứ có bệnh nhân là anh đẩy lên tuyến trên thì sẽ không cắt được đuôi dịch liền!' – TS.BS Lê Đức Nhân nói.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!