Hội thảo diễn ra chính thức với một phiên toàn thể và hai phiên chuyên đề. Tại phiên toàn thể, các báo cáo đã diễn ra dưới sự chủ tọa của TS. Nguyễn Hồng Sơn (Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế), ông Đặng Hoa Nam (Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), GS.TS. Bùi Thị Thu Hà (Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y tế công cộng), bà Lê Hồng Loan (Trưởng chương trình bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc – UNICEF).
Với sự tham gia của 250 đại biểu đến từ các Bộ, ban ngành, bệnh viện từ Trung ương tới địa phương, các tổ chức NGOs và các cơ sở đào tạo nghề CTXH tại Việt Nam hiện nay nhằm mục tiêu chia sẻ, thảo luận, nắm bắt được nội dung, thông tin thực tế liên quan đến nguồn nhân lực và dịch vụ CTXH trong lĩnh vực y tế và đưa ra khuyến nghị phát triển nghề CTXH trong lĩnh vực y tế nhằm hướng tới hiệu quả và công bằng.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Hồng Sơn (Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế) cho biết, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngành y tế đã tích cực triển khai đề án này và trong 10 năm vừa qua, CTXH trong ngành y tế đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp một phần rất tích cực trong việc chăm sóc toàn diện cho người bệnh.
'Trong thời gian vừa qua, ngành y tế đã có rất nhiều đổi mới, quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển của y tế cơ sở. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, thái độ, phong cách phục vụ của người bệnh, chất lượng dịch vụ của bệnh viện tăng lên rất nhiều, trong đó có sự đóng góp tích cực của những người làm CTXH' - TS. Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
TS. Nguyễn Hồng Sơn (Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế) phát biểu tại hội nghị
Tại hội thảo, các báo cáo với chủ đề 'Triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH trong ngành y tế giai đoạn 2011-2020' và 'Đánh giá thực trạng hệ thống CTXH trong bệnh viện tại Việt Nam' nhằm khái quát tổng quát về sự hình thành, phát triển và thực trạng kết quả triển khai nghề CTXH trong lĩnh vực y tế nói chung và CTXH trong bệnh viện nói riêng. Đồng thời, các báo cáo cũng đã đề cập đến khó khăn, bài học kinh nghiệm và đưa ra các khuyến nghị nhằm phát triển hơn nữa nghề CTXH trong lĩnh vực y tế trong giai đoạn tiếp theo.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, để CTXH và nghề CTXH phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho xã hội, giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội và các mối quan hệ cá nhân, các mối quan hệ của con người, của công dân đối với xã hội và để góp phần bảo vệ tốt hơn quyền của người, quyền công dân, đặc biệt quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, dễ bị bỏ lại phía sau thì chúng ta cần phải triển khai 3 công việc đó là: chuyên nghiệp hóa, tăng cường phối hợp và ưu tiên.
Trong báo cáo 'Vai trò, trách nhiệm của ngành y tế trong phòng, chống, xâm hại trẻ em' và 'Công tác xã hội với bảo vệ trẻ em trong hệ thống y tế: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam', đại diện Bộ LĐ-TB&XH và đại diện UNICEF đã nhấn mạnh đến vai trò của CTXH trong hệ thống y tế trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nhằm chỉ ra những khuyến nghị để phát triển, ứng dụng nghề CTXH trong lĩnh vực y tế và đề xuất xây dựng thí điểm mô hình dịch vụ bảo vệ trẻ em tại các cơ sở y tế.
Các đại biểu tham gia buổi hội thảo.
Là một đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường Đại học Y tế công cộng được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đào tạo những cử nhân CTXH định hướng trong bệnh viện, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực CTXH chất lượng cao. GS.TS. Bùi Thị Thu Hà (Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y tế công cộng) cho biết, CTXH đã hiện diện ở hầu hết các bệnh viện từ tuyến TW tới các tuyến quận, huyện trong cả nước. Nguồn nhân lực CTXH trong bệnh viện không ngừng tăng lên về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, nhân viên CTXH đã thể hiện được vai trò của mình trong các hoạt động trợ giúp về vật chất, tinh thần, thủ tục, chính sách, giáo dục, nâng cao sức khỏe và đào tạo, bồi dưỡng cho người nhà, người bệnh và nhân viên y tế. Đặc biệt, Bộ Y tế luôn chú trọng tới việc biên soạn các giáo trình, tài liệu CTXH trong bệnh viện, các khóa đào tạo tập huấn cho nhân viên CTXH thường xuyên hằng năm.
'Bên cạnh những thành tựu đạt được, nghề CTXH trong bệnh viện cũng gặp những khó khăn, thách thức. Ví dụ như hệ thống chính sách về CTXH trong bệnh viện chưa rõ ràng, cụ thể. Chưa có chuẩn năng lực, tiêu chuẩn đạo đức cho nhân viên CTXH trong bệnh viện. Các hoạt động CTXH trong bệnh viện còn nặng về đón tiếp, chỉ dẫn thông tin, vận động nguồn lực hỗ trợ từ thiện… Tỷ lệ được đào tạo đúng chuyên ngành CTXH trong bệnh viện còn chưa cao. Do đó, việc quan tâm, thúc đẩy hoạt động đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế để hướng tới chuyên nghiệp CTXH trong bệnh viện nói riêng và trong ngành y tế nói chung cần được quan tâm trong bối cảnh Việt Nam hiện nay'.
CTXH trong bệnh viện là một nghề cao quý, có giá trị nhân văn sâu sắc, một nghề có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tâm lý cho người bệnh, cho người nhà người bệnh và nhân viên y tế. CTXH – kết nối yêu thương, để mang yêu thương cho người khác thì dù ở bất kỳ vị trí, nhiệm vụ công việc nào, nhân viên CTXH cần có sự tâm huyết, sự hy sinh, sự cam kết trách nhiệm và tính chuyên nghiệp. Đây là những phẩm chất cần có của nhân viên CTXH trong bệnh viện.
Sau Phiên chuyên đề 1 với chủ đề 'Phát triển nguồn nhân lực CTXH trong lĩnh vực y tế' và Phiên chuyên đề 2 với chủ đề 'Phát triển dịch vụ CTXH trong chăm sóc sức khỏe' diễn ra, khách mời tham dự hội thảo đã đưa ra các ý kiến trao đổi trong phần thảo luận.
Hội thảo cũng được nghe các báo cáo viên trình bày về CTXH trong bệnh viện: Nhu cầu về quản lý trường hợp của người bệnh và khả năng đáp ứng nguồn nhân lực khi triển khai tại BV Chợ Rẫy năm 2020; Kiến thức, thái độ và hành vi của nhân viên y tế về nghề CTXH tại BV Nhi Trung ương; Một số khó khăn và vai trò của nhân viên CTXH trong việc hỗ trợ lao động nhập cư tiếp cận dịch vụ y tế tại làng Eahdil, tỉnh Đăk Lăk; Hoạt động CTXH tại một số bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn TP. Hà Nội…
Kết quả hội thảo sẽ giúp các nhà nghiên cứu, các nhà thực hành, các nhà hoạch định chính sách nắm bắt được nội dung, thông tin thực tế liên quan đến nguồn nhân lực và dịch vụ CTXH trong lĩnh vực y tế và đưa ra khuyến nghị phát triển nghề CTXH trong lĩnh vực y tế nhằm hướng tới hiệu quả và công bằng.
Nghề công tác xã hội ở Việt Nam chính thức được công nhận từ năm 2010 sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Công tác xã hội trong ngành y tế cũng đã được hình thành ngay sau đó khi mà Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2514/QĐ-BYT ngày 15/7/2011 về việc phê duyệt Đề án 'Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2020'. Và Quyết định số 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định lấy ngày 25 tháng 03 hàng năm là 'Ngày Công tác xã hội Việt Nam', như vậy, công tác xã hội trong bệnh viện ngày càng phát triển thực sự có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần giải quyết những nhu cầu bức thiết trong chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như làm gia tăng sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!