Cứ 100 ca phá thai ở phụ nữ tuổi 15 - 49 thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn

Sức khỏe sinh sản - 11/24/2024

Đó là thông tin được đưa ra tại Lễ mít tinh phát động tháng hành động Quốc gia về Dân số năm 2018 vừa diễn ra tại Hoà Bình, theo đó, chủ đề của tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm 2018 là “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi”.

Tình trạng phá thai ở Việt Nam đang ở mức rất cao

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế, vị thành niên, thanh niên Việt Nam chiếm khoảng trên 22% dân số, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi. Vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên được Bộ Y tế xác định là một nội dung ưu tiên trong Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020..

Cứ 100 ca phá thai ở phụ nữ tuổi 15 - 49 thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn

Tuy nhiên, theo bà Lan, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục, song tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV ở vị thành niên, thanh niên vẫn có xu hướng gia tăng, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu các khu công nghiệp tập trung…. Đi kèm theo đó là kiến thức, kỹ năngcơ bản về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niêncòn nhiều hạn chế.

Số liệu báo cáo chính thức của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho thấy, tình trạng phá thai ở Việt Nam đang ở mức rất cao với 250.000 - 300.000 ca mỗi năm. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ năm 2017, cứ 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở độ tuổi vị thành niên. Cứ 100 ca phá thai ở phụ nữ tuổi 15 - 49 thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn. Đây là các con số báo cáo chính thức, các con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Những con số rất đáng lo ngại này càng đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực lớn hơn nữa, đầu tư nhiều hơn nữa để đảm bảo không còn các ca mang thai ngoài ý muốn ở vị thành niên, thanh niên.

Nhiều khoảng trống trong công tác cung cấp thông tin và chăm sóc sức khoẻ sinh sản

Nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân số trẻ chưa kết hôn hiện vẫn đang ở mức cao. Vẫn còn nhiều khoảng trống trong công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho thanh niên và vị thành niên, bao gồm chương trình giáo dục giới tính toàn diện và có chất lượng.

Trong các điều tra về thanh thiếu niên Việt Nam lần 2 (SAVY2) cho thấy nhóm dân tộc thiểu số kết hôn sớm hơn 6 lần so với dân tộc Kinh (8,4% so với 1,4%), và cao hơn trung bình cả nước 3,5 lần (2,5%). Tỷ lệ từng kết hôn của trong nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi là 2,6%. Điều tra quốc gia về Sức khỏe sinh sản và tình dục năm 2015 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện chỉ ra tuổi trung bình lần quan hệ tình dục đầu tiên của các đối tượng điều tra là 18,7, như vậy sớm hơn so với kết quả của các kỳ điều tra trước (trong SAVY2 là 19,6).

Vị thành niên, thanh niên Việt Nam có kiến thức chưa đầy đủ và thực hành chưa đúng về các vấn đề sức khỏe. Theo số liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em của Bộ Y tế, tỷ lệ mang thai ở vị thành niên tại Việt Nam có giảm đôi chút trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao và rất đáng lo ngại: năm 2010 là 3,24%, 2012 - 3,39%, năm 2014 - 2,78 %, 2015 - 2,66 %.

Cứ 100 ca phá thai ở phụ nữ tuổi 15 - 49 thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn

Cung cấp kiến thức về sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên, thanh niên

Một nghiên cứu trên đối tượng nữ công nhân di cư ở tuổi thanh niên năm 2015 cho thấy tỷ lệ không sử dụng biện pháp tránh thai chiếm 27,8%. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là tình trạng sử dụng biện pháp tránh thai không thường xuyên trong quan hệ tình dục rất cao.

Thiếu kiến thức toàn diện và chính xác về HIV/AIDS, bệnh lây truyền qua đường tình dục và mang thai là kết quả đáng quan tâm ở nữ thanh niên là lao động di cư. Mặc dù đã có các chương trình sức khỏe vị thành niên, thanh niên trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều khoảng trống trong các chương trình, được phản ảnh qua kết quả các chỉ số về kiến thức, thực hành sức khỏe sinh sản và tình dục của vị thành niên, thanh niên.

Hơn nữa, vị thành niên, thanh niên vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục đảm bảo chất lượng, ví dụ các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiện nay tập trung chủ yếu vào những người đã kết hôn. SAVY2 cũng cho rằng các can thiệp, chương trình sức khỏe sinh sản và tình dục vị thành niên, thanh niên còn thiếu hụt trong giải quyết các vấn đề của các nhóm thiệt thòi, dân tộc thiểu số, và vấn đề về giới.

Vì vậy, xóa bỏ những khoảng trống nói trên để có thể mang lại lợi ích cho mọi người dân đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu vùng xa sẽ giúp chúng ta phát huy được hết tiềm năng của họ. Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và phát triển cho thanh niên và vị thành niên sẽ giúp quốc gia gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế xã hội to lớn và lâu dài.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!