Cúm A/H1N1: chưa bao giờ giảm nhiệt!

Sơ cứu & Phòng ngừa - 03/29/2024

Hello Bacsi - Cúm A/H1N1 dễ lây lan, gây nguy hiểm và để lại nhiều biến khôn lường. Bạn cần nắm vững những kiến thức cơ bản sau để bảo vệ sức khỏe nhé!

H1N1 (đôi khi được gọi là virus cúm heo) là một loại virus gây bệnh cúm A ở người. Virus H1N1 lây từ người sang người và lan rộng trên toàn thế giới, giống như cách mà virus cảm cúm thông thường lây lan.

Thời điểm mùa đông là thời tiết thuận lợi cho virus phát triển, dự kiến số người mắc bệnh sẽ tăng cao vào mùa đông nên cần tăng cường các biện pháp phòng chống. Thời tiết ẩm ướt, nhất là vào thời tiết mưa dầm cũng tạo điều kiện cho virus phát triển.

Dấu hiệu và triệu chứng của Cúm A/H1N1 là gì?

Các triệu chứng của virus cúm H1N1 ở người bao gồm:

  • Sốt;
  • Ho;
  • Đau họng;
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi;
  • Đau nhức cơ thể;
  • Đau đầu;
  • Ớn lạnh và mệt mỏi.

Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy. Mặc dù cúm là bệnh lành tính, nhưng lại có tỉ lệ tử vong cao nếu bạn chủ quan với các triệu chứng nghiêm trọng.

Bạn phải làm gì trước tiên khi bị cúm A/H1N1?

Nếu mắc bệnh và xuất hiện các triệu chứng giống như bệnh cúm H1N1, bạn nên ở nhà, tránh tiếp xúc với người khác và báo ngay với bác sĩ. Hầu hết những người bị nhiễm H1N1 đều có bệnh lý tương đối nhẹ mà không cần chăm sóc y tế hoặc dùng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, nếu xuất hiện triệu chứng sau 7 ngày tiếp xúc với khu vực bùng phát dịch cúm A (H1N1), bạn nên nghi ngờ mình mắc bệnh cúm A (H1N1), phải lập tức đến bệnh viện để được cách ly và điều trị kịp thời.

Hãy đến cơ sở y tế gần nhất nếu: phát hiện các dấu hiệu nghiêm trọng của bệnh cúm H1N1. Các dấu hiệu nghiêm trọng bao gồm:

Ở trẻ em:

  • Thở gấp hoặc khó thở;
  • Da hơi xanh xao;
  • Không tỉnh táo như thường ngày;
  • Cáu kỉnh, không muốn được bế;
  • Các triệu chứng cảm sốt giảm nhanh và đột ngột tái phát trở lại;
  • Sốt phát ban.

Ở người lớn:

  • Khó thở hoặc thiếu hô hấp;
  • Đau hoặc tức ngực;
  • Đột ngột chóng mặt;
  • Choáng váng;
  • Ói mửa nhiều hay liên tục ;
  • Các triệu chứng bệnh cảm cúm giảm đi nhưng sau đó lại bắt đầu sốt và ho nặng hơn.

Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thực hiện xét nghiệm phát hiện cúm H1N1. Hiện nay để xét nghiệm, bệnh nhân sẽ được phết mũi họng, các bệnh phẩm lấy được sẽ chuyển đến các phòng xét nghiệm của các bệnh viện như BV Bệnh Nhiệt đới, Nhi Đồng I và Nhi Đồng II. Những bệnh viện này đều có khả năng thực hiện kỹ thuật chuyên môn để tìm ra virus H1N1.

Làm thế nào để tránh mắc phải cúm A/H1N1?

Theo chuyên gia viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, virus H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường. Cụ thể, virus này có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các vật dụng hằng ngày và tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ. Loại virus này đặc biệt có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22oC và đến 30 ngày ở 0oC. Bạn có thể hạn chế lây nhiễm cúm hiệu quả nhất bằng các biện pháp dưới đây:

Tăng cường vệ sinh cá nhân

  • Rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch thường xuyên;
  • Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi.

Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh

  • Tránh tiếp xúc với người bị bệnh cúm. Khi cần phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế;
  • Hạn chế đến nơi đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp;
  • Không cho trẻ em dùng chung đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm.

Tăng cường khả năng đề kháng

  • Sử dụng các dung dịch sát khuẩn mũi, họng, mắt để vệ sinh thường xuyên;
  • Đảm bảo nơi ở, nơi làm việc thông thoáng, sạch sẽ;
  • Thường xuyên lau nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng, nước Javel, cồn 70o
  • Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng bảo vệ cơ thể.

Bạn có thể tìm hiểu thêm:

Coi chừng nhầm lẫn viêm gan A với bệnh cúm

Hết bệnh cảm nhờ 6 loại thực phẩm “vi diệu”

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!