Cùng giúp người cao tuổi vượt qua chứng trầm cảm

Tâm lý - 04/20/2024

Người cao tuổi thường cảm thấy cô đơn kèm theo sức khỏe giảm sút nên dễ trở nên trầm cảm. Vậy làm sao để giúp họ vượt qua khó khăn này?

Khi tuổi tác đã cao, người già thường cảm thấy mình không còn có ích cho xã hội, tự ti, cô đơn kèm theo sức khỏe ngày càng giảm sút nên họ rất dễ trở nên trầm cảm.

Bệnh trầm cảm ở người già rất khó phát hiện để chữa trị kịp thời do một số người thường có quan niệm sai lầm rằng đây là “bệnh tuổi già”. Bệnh trầm cảm ở người già chủ yếu đến từ các quá trình lão hóa của cơ thể và do tâm lý xã hội. Để điều trị và chăm sóc người già bị bệnh trầm cảm cần phải phối hợp nhiều cách khác nhau, trong đó tình cảm và sự quan tâm của người thân trong gia đình là rất quan trọng.

Làm thế nào để hỗ trợ người thân mắc bệnh trầm cảm?

Một khi hiểu được rằng trầm cảm không phải là điều mà người thân của bạn có thể kiểm soát được, bạn có thể dễ dàng tìm ra cách để giúp đỡ họ. Sau đây là vài cách bạn có thể áp dụng để giúp đỡ khi người thân lớn tuổi của mình mắc chứng trầm cảm.

Bày tỏ sự quan tâm

Bạn nên thông cảm với nỗi đau của người bị trầm cảm bằng cách tỏ ra cho họ biết bạn hiểu họ đang cảm thấy thế nào. Bạn hãy lắng nghe nếu họ muốn trò chuyện nhưng đừng cố phác họa tình trạng của họ cũng như đưa ra những câu hỏi áp đặt. Thái độ thu mình lại và không muốn giao tiếp với người khác ở người cao tuổi là một biểu hiện của bệnh này. Vì vậy, bạn đừng coi đó là tính cách người bệnh và phải tìm cách giúp họ mở lòng.

Hỏi xem bạn có thể giúp được gì

Những thành viên cao tuổi trong gia đình của bạn có thể sẽ không đưa ra đề nghị gì cụ thể về điều bạn có thể làm. Tuy nhiên, nếu bạn thể hiện sự quan tâm, họ sẽ biết được rằng bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Tạo ra hy vọng

Hãy khẳng định với người bệnh rằng chứng trầm cảm có thể chữa được để họ cảm thấy khá hơn. Nếu người thân của bạn đang được điều trị, hãy động viên họ rằng việc điều trị cần có thời gian mới mang lại kết quả.

Đưa ra sự ủng hộ tích cực

Người cao tuổi thường cảm thấy mình vô dụng và bị dày vò vì những lỗi lầm hay thiếu sót của mình. Hãy cho người thân của bạn biết những ưu điểm và năng lực của họ và họ có ý nghĩa với bạn như thế nào.

Khuyến khích họ tham gia vào những hoạt động có lợi cho sức khỏe

Hãy cố gắng khuyến khích hay tạo điều kiện cho những người cao tuổi tham gia các hoạt động có ích hay đến thăm họ hàng và bạn bè. Tuy nhiên, bạn chớ nên hối thúc và đừng mong đợi quá nhiều ở họ mà hãy để họ thoải mái với các hoạt động. Nhẹ nhàng nhắc nhở người thân về tầm quan trọng của việc rèn luyện cơ thể và chế độ ăn uống hợp lý sẽ là cách tốt nhất để bạn giúp đỡ họ.

Cảm thông với khó khăn của họ

Bạn hãy thuyết phục người trầm cảm rằng bạn luôn bên họ và họ cũng cần đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý. Bạn cũng nên nhẹ nhàng giải thích vì sao bạn lại quan tâm đến họ. Đừng bao giờ chỉ trích khi họ có những thay đổi về hành vi và cảm xúc mà hãy hỏi xem điều gì đang xảy ra và vì sao họ có vẻ chán nản như vậy.

Có thể bạn phải nỗ lực rất nhiều trước khi thuyết phục được người thân của mình tìm sự giúp đỡ, nhưng hãy tiếp tục cố gắng và đừng bỏ cuộc trong hành trình giúp họ sống tích cực hơn. Bạn hãy khuyến khích họ đến gặp bác sỹ hoặc nhà tư vấn tâm lý bởi vì điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm của bạn mà còn giúp họ tìm được phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Làm sao để bản thân người già thoát khỏi chứng trầm cảm?

Nếu tuổi bạn đã cao và bị chuẩn đoán mắc chứng trầm cảm, tự bạn cũng có thể thoát khỏi căn bệnh này. Bạn có thể làm được điều đó bằng cách:

  • Luôn chia sẻ và nhờ tới sự hỗ trợ của người khác, nhất là những người thân trong gia đình. Nếu bạn đang có vấn đề về tâm lí, hãy cởi mở để những khúc mắc trong lòng bạn được giải quyết;
  • Hãy thường xuyên vận động và tập thể dục để cơ thể khỏe mạnh. Bạn nên cố gắng tham gia vào những hoạt động có nhiều người và được tiếp xúc nhiều. Nên nhớ là để tránh trầm cảm, bạn đừng ở nhà một mình hay chỉ ngồi không một chỗ và nghĩ vẩn vơ mà hãy nhấc người dậy và ra ngoài vận động dù chỉ một chút;
  • Bạn hãy cố gắng giữ và đừng bỏ qua những sở thích hàng ngày của bản thân, đồng thời thử thêm những thú vui mới;
  • Bạn nên giữ liên lạc với bạn bè và tham gia một số câu lạc bộ cho người già, câu lạc bộ sức khỏe, câu lạc bộ thể thao. Bạn cần cố gắng tham gia đều đặn dù đôi lúc bạn sẽ cảm thấy chán ghét chúng, vì nếu dừng lại thì đồng nghĩa bạn đang đầu hàng trước bệnh tật;
  • Hãy cố gắng ăn uống đầy đủ và ăn những thứ có lợi cho sức khỏe cho dù bạn bị mất đi cảm giác ngon miệng. Nếu bỏ bữa, cơ thể bạn sẽ mất đi vitamin và khoáng chất cần thiết − điều góp phần làm cho chứng trầm cảm thêm trầm trọng.

Bạn hãy làm những gì có thể để hỗ trợ người cao tuổi mắc chứng trầm cảm trong gia đình và luôn nhớ rằng, đừng bao giờ bỏ rơi họ mà hãy luôn đồng hành cùng họ vượt qua giai đoạn khó khăn của tuổi xế chiều. Bên cạnh đó, chính người cao tuổi cũng phải tìm cách lấy lại sự tích cực cho bản thân mình để sống hạnh phúc hơn.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • 10 mẹo đơn giản giúp bạn thoát khỏi bệnh trầm cảm
  • Ngăn ngừa bệnh lãng tai ở người cao tuổi
  • Bạn nên làm gì để giúp đỡ người thân yêu khi họ mắc Alzheimer?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!