Đánh bật căng thẳng trong mùa thi

Sống đẹp - 11/24/2024

Áp lực trong mỗi kỳ thi rất lớn, nhất là các con lại chưa đủ kinh nghiệm và kiến thức để vượt qua những áp lực này.

Áp lực từ cha mẹ

Không ít bậc phụ huynh kỳ vọng và đặt quá nhiều niềm tin vào con. Họ muốn con họ phải là người giỏi nhất, phải thi đỗ với điểm số cao nhất, phải làm rạng danh cho gia đình, dòng họ. Họ ép buộc con học triền miên sớm tối, không có thời gian nghỉ ngơi và khi con không đạt được những kỳ vọng như mong muốn, họ buồn phiền, trách móc con cái. Sự kỳ vọng quá cao của bố mẹ vô hình trung đặt lên vai trẻ những áp lực tâm lý quá lớn. Kỳ vọng có mặt tích cực khiến trẻ nhìn vào mục tiêu mà hướng tới. Nhưng lại có mặt tiêu cực là trẻ luôn dằn vặt suy nghĩ nếu thất bại, sợ bị bố mẹ la ó nhiếc móc...

Đánh bật căng thẳng trong mùa thi

Điều đáng nói hơn là áp lực từ gia đình khiến các em dần mất đi sự tự chủ, tự tin của bản thân, gây tổn thương sâu sắc trong suy nghĩ và nhận thức. Khi trẻ sống mãi trong sự áp đặt và áp lực sẽ phải cố gắng gồng mình lên để đáp ứng hoặc không đủ sức thì miễn cưỡng làm chống đối. Không những thế, trẻ còn mất dần hưng phấn, bị dập tắt mọi đam mê của bản thân, sống không có chủ kiến và quen dần với thói ‘chỉ đâu đánh đó’.

Đánh bật căng thẳng trong mùa thi

Theo nhiều nhà nghiên cứu, trước 18 tuổi, cơ thể của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và biệt hóa hoàn toàn. Bộ não, cơ bắp, mạch máu... chưa hoàn chỉnh. Thời điểm này, tâm sinh lý của trẻ đang rất nhạy cảm, bồng bột nhất. Trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên cũng dễ xúc động. Một lời nói, một hành động thái quá của người lớn cũng dễ khiến trẻ bị tổn thương sâu sắc. Các con cũng ít biết cách gỡ rối khi ở trong tình trạng căng thẳng, giờ lại thêm áp lực từ gia đình khiến nhiều con rơi vào stress. Hậu quả của những việc này là sẽ tác động không tốt về sau.

Những biểu hiện thường thấy là trẻ sẽ rơi vào trầm cảm lo âu, buồn phiền, giao tiếp xã hội kém đi, kết quả học suy giảm mạnh… Không những thế, việc trẻ cảm thấy thua kém với bạn bè, tự ti với bản thân, cảm thấy mắc tội với gia đình vì mình là người vô dụng sẽ dẫn đến việc tự tử. Trong các nghiên cứu về tâm lý, tâm thần ở nước ta cho thấy, áp lực học tập là một trong những nguyên nhân cao nhất đưa đến việc tự tử ở trẻ. Do vậy, cha mẹ thay vì tạo áp lực cho con, thì hãy quan tâm chăm sóc con, nắm bắt những thay đổi về mặt tâm sinh lý, biết lắng nghe con, động viên, khích lệ con kịp thời trước những thời điểm bước ngoặt của cuộc đời.

Giải pháp nào giúp con cân bằng?

Chế độ sinh hoạt điều độ: Trước các kỳ thi, thí sinh nên duy trì chế độ sinh hoạt điều độ. Học, ăn, ngủ theo giờ. Không nên học khuya quá 12 giờ đêm, ngủ đảm bảo 8 tiếng/ngày để cho bộ não khỏe mạnh và hoạt động tốt. Trước ngày thi nên đi ngủ sớm để giữ tinh thần sảng khoái.

Đánh bật căng thẳng trong mùa thi

Chế độ ăn cần đủ chất, nhất là những thức ăn có lợi cho não bộ. Nhưng nên ăn vừa phải không quá nhồi nhét để tránh trì trệ cho bộ não và ì ạch cho cơ thể. Thực phẩm tốt cho sĩ tử, giúp giải tỏa căng thẳng là: cam, cải bó xôi, sữa, ngũ cốc, thực phẩm giàu protein (thịt, cá, trứng, hải sản...), hạnh nhân, quả hồ trăn, quả óc chó, rau bina, cá hồi, các loại rau màu xanh đậm... Nên cho con uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể. Hạn chế dùng chất kích thích như caffeine (có trong cà phê và trà). Không bỏ bữa ăn sáng. Đây là bữa ăn quan trọng giúp con bổ sung phần lớn dinh dưỡng cần thiết trong ngày. Cố gắng đưa nhiều thực phẩm như sữa, các chế phẩm từ sữa, trứng, cá, thịt gà, rau củ vào thực đơn của bữa ăn sáng. Bên cạnh đó, thực hiện thói quen ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để giúp giữ lượng đường trong máu ổn định, không để đói khi đó đường huyết sẽ xuống thấp. Khi lượng đường trong máu hạ thấp, tinh thần, thể chất, năng lượng, cảm xúc xuống dốc nhanh chóng và căng thẳng có cơ hội gia tăng.

Khi ôn tập, thí sinh nên chủ động thay đổi không gian, vị trí để tạo cảm giác thư giãn, thoải mái cho bản thân. Tránh học liên tục, cần nghỉ ngơi sau một giờ học, giúp tăng khả năng tập trung, thư giãn đầu óc. Biện pháp lâu dài trong mùa thi là nên thường xuyên vận động, bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý tham gia thể dục thể thao, giải trí, đặc biệt là hoạt động ngoài trời như đi bộ, chạy bộ, dance... hoặc xem các phim hài nghe nhạc, đọc truyện cười, vẽ tranh...

Yếu tố tâm lý: Trong thời gian ôn thi và sắp thi, các con thường dễ bị thương tổn tâm lý nên rất cần được sự quan tâm, đồng hành, gần gũi của cha mẹ để vơi đi những lo lắng. Sự lo âu thái quá có thể trở thành bệnh lý khi khả năng tập trung giảm đi, khiến kiến thức trở nên lộn xộn, hiệu quả thi sẽ kém. Những cử chỉ thương yêu sẽ giúp con vượt qua khó khăn tinh thần và giải tỏa âu lo. Nhưng phụ huynh cần thể hiện đúng mức để tráng gây áp lực cho con.

Bên cạnh đó, bố mẹ nên là một người bạn, cùng con giải tỏa căng thẳng học hành bằng những bữa cơm ngon, cùng nhau xuống bếp thư giãn, cùng xuống phố, dạo chơi hay xem phim, tham gia một hoạt động nào đó mà con yêu thích... Con sẽ cảm thấy vui hơn khi cảm nhận được sự quan tâm ân cần, sẻ chia hết mực. Từ đó, con sẽ không còn cảm thấy áp lực học hành quá nặng nề, căng thẳng và quá ép mình vào khuôn khổ vì sợ thất bại.

Cha mẹ cần chú ý các biểu hiện bất thường của con như hay cáu gắt, trằn trọc khó ngủ, nhốt mình trong phòng... Khi thấy những biểu hiện này bố mẹ phải hỏi han, chia sẻ giúp con giải tỏa. Nếu các biểu hiện đó ngày càng tăng phải đưa con đi khám để bác sĩ đưa ra những giải pháp điều trị thích hợp cho con bạn.

Ảnh minh họa: Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!