Suýt tàn phế vì cố chịu đau
Ông Nguyễn Văn Đ., 54 tuổi, ở Minh Khai, Hà Nội, nhập viện ngày 22/2 trong tình trạng đi lại khó khăn, đau buốt ở vùng khớp gối, đau cả lúc không vận động.
Ông Đ hay bị đau khớp, nhất là lúc nửa đêm về sáng, nhưng ông cố chịu đựng. Khi không chịu đựng được nữa ông mới tìm đến bác sĩ thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Được biết, 4 năm trước bệnh nhân Đ. từng được thay khớp háng.
Hoại tử chỏm xương vô khuẩn là bệnh dễ nhầm với các bệnh lý khác
Sau thăm khám, bệnh nhân được chỉ định chụp cộng hưởng từ và các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân có một ổ hoại tử lớn vùng lồi cầu trong ở xương đùi bên phải. Ổ khuyết có kích thước 3x5cm.
Các bác sĩ của Khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Xanh Pôn đã hội chẩn và quyết định thay khớp gối toàn phần cho bệnh nhân. Sau 90 phút phẫu thuật, bệnh nhân được thay khớp gối. Ngày thứ 8 sau mổ, bệnh nhân hết đau, có thể đi lại được. Theo các bác sĩ, bệnh nhân cần có một thời gian nữa để phục hồi chức năng vận động.
PGS.TS Trần Trung Dũng – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: 'Bệnh lý hoại tử xương khớp gối rất hiếm gặp và ít được phát hiện. Với trường hợp bệnh nhân Đ, do vùng hoại tử nhiều, vỡ cấu trúc khớp nên bắt buộc chúng tôi phải thay thế khớp'.
Cảnh báo cơn đau khớp về đêm
Đây là bệnh lý không hiếm gặp nhưng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở vùng khớp gối, nên dễ bị bỏ sót. Hơn nữa, bệnh lý này không thể phát hiện với phim chụp X quang thông thường mà phải chụp cộng hưởng từ mới có thể chẩn phát hiện được. Điểm khác biệt duy nhất với các bệnh lý thoái hóa khớp thường gặp là bệnh nhân đau ngay cả khi không vận động.
Đặc điểm của bệnh này là thường gặp ở vùng khớp háng nhiều hơn là vùng lồi cầu đùi. Cơ chế của bệnh là tiêu xương dưới bề mặt lớp sụn làm cho bề mặt sụn bị lún xuống, gây đau khiến bệnh nhân không đi lại được.
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân Đ
Nguyên nhân của bệnh, PGS Dũng cho biết, cơ chế của bệnh này là tổn thương mạch máu cung cấp cho xương, dẫn đến nhồi máu xương, tức là xương bị tắc mạch, sau đó dẫn đến hoại tử. Từ đó gây phù, làm các tế bào xương xung quanh bị tăng áp lực, nguy cơ bị hoại tử tăng cao.
PGS Dũng cho hay, tại Việt Nam hoại tử xương vô khuẩn khớp háng, mà phải thay khớp háng hiện lên tới 60-70%, nên tỷ lệ bệnh nhân có nguy cơ bị hoại tử xương vô khuẩn khớp gối sẽ tăng cao. Với căn bệnh này, việc phát hiện và điều trị sớm mang lại hiệu quả hơn.
Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, giai đoạn 2 hoặc 3, bệnh nhân có thể được khoan giảm áp nhưng trường hợp của ông Đ đến muộn nên bác sĩ phải thay khớp gối. Chỉ cần chậm chút nữa là bệnh nhân có thể tàn phế.
Theo nghiên cứu trên thế giới, bệnh hoại tử vô khuẩn vùng xương thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, những người trên 50 tuổi chiếm khoảng 4%, trên 60 tuổi khoảng 9%.
Bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khớp gối khác như thoái hóa khớp, rách sụn chêm khớp gối ở người già, người chơi thể thao... nên dễ bị bỏ sót.
Bác sĩ khuyến cáo, với những người từ 40 tuổi trở lên, nếu xuất hiệu triệu chứng đau khớp gối về đêm và sáng, đau tăng lên khi đứng, đi lại, nhất là khi đi lên và xuống cầu thang, cần đến bác sĩ chuyên khoa để phát hiện sớm bệnh.
Với những người từ trung niên trở lên (40-50 tuổi), mức độ mất khoáng chất trong xương càng tăng lên, nguy cơ mắc bệnh về khớp nói chung và hoại tử xương cũng tăng. Nên nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu trên, người dân cần đi thăm khám ở các bác sĩ chuyên khoa sâu để điều trị bệnh hiệu quả.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!