Triệu chứng đau vai gáy thường gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới với biểu hiện đau âm ỉ hoặc dữ dội ở cổ, vai, lan lên gáy, thái dương.
Bệnh tăng lên khi vận động và giảm đi khi nghỉ ngơi. Đau vai gáy thường xuất hiện vào lúc sáng sớm sau khi ngủ dậy hoặc sau khi làm việc lâu trong 1 tư thế với thời gian dài hoặc do mang vác nặng, sai tư thế, đặc biệt là công nhân phải đội than, cát từ tàu thuyền lên.
Nguyên nhân của đau cổ, vai, gáy
Nguyên nhân cơ học: Tư thế ngồi, tư thế khi làm việc, gối đầu cao khi ngủ, kê đầu trên vật cứng trong 1 thời gian dài, nằm xem tivi,…
Nguyên nhân bên ngoài: Ngồi trước quạt, bị lạnh, bị dầm mưa, gội đầu ban đêm làm giảm cung cấp oxy cho tế bào cơ, gây thiếu máu dẫn tới các triệu chứng trên.
Ngoài ra, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có thể còn do tổn thương của cột sống cổ như thoái hóa cột sống cổ, tổn thương đĩa liên đốt sống sau chấn thương hoặc do công việc hàng ngày gây nên các vi chấn thương cho khớp như lái xe, làm việc với máy vi tính lâu…
Ảnh minh họa
Bình thường, nếu bệnh nhân có hội chứng đau cổ vai gáy thường được các bác sĩ khám để loại trừ các nguyên nhân chèn ép gây tổn thương.
Nếu không do nguyên nhân gây chèn ép thì sẽ được bác sĩ kê đơn điều trị bằng các thuốc giảm đau, giãn cơ thông thường.
Thêm vào đó, bệnh nhân cũng có thể điều trị bằng các phương pháp y học cổ truyền như: xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, tập luyện vùng cổ và vật lý trị liệu cũng có hiệu quả cao.
Khi bị đau cổ vai gáy, người bệnh nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động 1 thời gian, chế độ ăn cần cung cấp đầy đủ vitamin nhóm B, C, E và 1 số khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali. Xoa bóp nhẹ nhàng sẽ giúp cơ chỗ đau được thư giãn, tăng cường lưu thông máu.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý nên tránh các tư thế sai gây nên đau cổ vai gáy như: căng cổ ngước lên cao trong thời gian dài, thường xuyên xoay đầu về bên đau, đọc sách ở tư thế cổ gập, gối đầu cao khi ngủ… để tránh tình trạng bệnh nặng thêm.
BS. Nguyễn Thị Minh Huệ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!