Đây là những lý do khiến chúng ta phải sợ vi-rút zika

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Nó hiện là ẩn số đối với các nhà khoa học. Hiện tại không có phương pháp điều trị hay vắc-xin phòng chống Zika.

Sáng 5/4, Bộ Y tế xác nhận hai trường hợp nhiễm vi-rút Zika đầu tiên ở Việt Nam. Ngành y tế thế giới đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu loại vi-rút nguy hiểm này.

Vi-rút Zika là một loại bệnh nhiệt đới hiếm gặp, được đặt tên theo khu rừng Zika ở Uganda, nơi nó được phát hiện lần đầu tiên.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện chưa có trường hợp tử vong nào do Zika gây ra. Tuy nhiên, ngành y tế thế giới còn chưa hiểu rõ loại vi-rút này. Số lượng nghiên cứu về vi-rút Zika cũng còn ít ỏi.

Đây là những lý do khiến chúng ta phải sợ vi-rút zika

Các triệu chứng nhiễm Zika ở người. Ảnh: Medical News Today

Vi-rút Zika lây lan như thế nào?

Zika lây sang người qua vết cắn của muỗi cái nhiễm vi-rút, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus. Chúng cùng loài với muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, chikungunya và sốt vàng da, theo Reuters.

Theo Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ (PAHO), vi-rút Zika có khả năng lây lan ra tất cả các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực nơi muỗi Aedes tồn tại. Hiện nay, muỗi Aedes đang sinh sôi ở nhiều nước châu Phi, châu Mỹ, Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

Cách điều trị Zika?

Hiện tại không có phương pháp điều trị hay vắc-xin phòng chống Zika. Các nhà khoa học chạy đua để đặc chế loại vắc-xin an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, WHO cho biết sẽ phải mất ít nhất 18 tháng để bắt đầu thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn vắc-xin chống Zika.

Mức độ nguy hiểm của Zika?

PAHO cho biết vẫn chưa có bằng chứng cho thấy Zika có thể gây tử vong. Nhưng theo một vài nghiên cứu gần đây, các bệnh nhân từng nhiễm Zika có thể bị một số biến chứng nghiêm trọng hơn.

Giới y tế cũng nghi ngờ Zika có liên quan tới hội chứng Guillain-Barre. Đây là chứng rối loạn hiếm, khiến hệ miễn dịch của cơ thể tấn công một phần của hệ thống thần kinh và gây tê liệt.

Zika liên quan với tật đầu nhỏ như thế nào?

Theo WHO, Zika có thể gây khuyết tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển. Ngoài ra, WHO cho rằng Zika có thể gây ra hội chứng Guillain-Barre. Dù vậy, phải mất vài tháng hoặc vài năm để giới y học đưa ra kết luận chính xác.

Các quan chức y tế Brazil cho biết nước này đang tiến hành nhiều nghiên cứu để xác nhận giả thuyết trên. Tính đến nay, Brazil đã xác nhận 944 trường hợp dị tật đầu nhỏ, hầu hết có liên quan đến các bà mẹ nhiễm vi-rút Zika. Brazil đang điều tra thêm 4.291 trường hợp nghi nhiễm khác.

Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ tật đầu nhỏ xảy ra nhiều nhất trong quý đầu tiên của thai kỳ. Kết quả phân tích từ nhiều nước cho thấy dấu vết của Zika trong nước ối, nhau thai và mô não của thai nhi.

Đây là những lý do khiến chúng ta phải sợ vi-rút zika

Các triệu chứng nhiễm vi-rút Zika. Đồ họa: Medical News Today

Các triệu chứng của Zika là gì?

Những người nhiễm Zika có thể bị sốt nhẹ, phát ban da, viêm kết mạc, đau cơ và khớp, mệt mỏi kéo dài từ 2-7 ngày, tương tự triệu chứng sốt xuất huyết hoặc chikungunya. Tuy nhiên, đến 80% người nhiễm vi-rút không có các triệu chứng kể trên.

Làm thế nào để ngăn chặn Zika?

WHO khuyến cáo người dân triệt bỏ các địa điểm muỗi sinh sản, áp dụng các biện pháp ngừa muỗi đốt như sử dụng thuốc chống côn trùng và màn chống muỗi. Giới y tế quốc tế cũng kêu gọi phụ nữ mang thai tránh đến các nước Mỹ Latin và Caribbean, nơi họ có thể bị lây nhiễm Zika.

Dịch Zika đã bùng phát rộng lớn như thế nào?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến nay các ca nhiễm Zika đã xuất hiện ở ít nhất 41 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nguồn gốc của Zika?

Vi-rút Zika được phát hiện đầu tiên trên loài khỉ Rhesus tại Uganda năm 1947, và trên muỗi Aedes năm 1948. vi-rút này xuất hiện chủ yếu ở các vùng nhiệt đới, nơi có quần thể muỗi lớn.

Chỉ một số ít trường hợp nhiễm Zika từng được phát hiện trước năm 2013. Tuy nhiên, các nhà khoa học bắt đầu chú ý đến loại vi-rút này sau khi nhiều ca bệnh xuất hiện trên các đảo ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Kể từ đó, Zika lan tới Brazil, nơi có 1,5 triệu người có thể bị nhiễm bệnh.

Zika có thể lây truyền qua đường tình dục?

WHO cho biết quan hệ tình dục là phương thức lây nhiễm Zika 'tương đối phổ biến'. Chính vì thế, WHO kêu gọi phụ nữ có thai không nên đi du lịch đến các vùng có dịch Zika.

CDC cũng đang điều tra hàng chục trường hợp nhiễm bệnh khác có khả năng bị lây qua đường tình dục. Ngày 27/2, các cơ quan chức năng Pháp cho biết họ đã phát hiện trường hợp đầu tiên lây truyền Zika qua đường tình dục từ một người phụ nữ có bạn tình đi du lịch đến Brazil.

Ngày 31/3, WHO cho biết 6 nước phát hiện nạn nhân nhiễm Zika có thể bị lây qua đường tình dục là Argentina, Chile, Pháp, Italy, New Zealand và Mỹ.

Các chuyên gia y tế Anh tìm thấy vi-rút Zika trong tinh dịch của một người đàn ông hai tháng sau khi nạn nhân nhiễm bệnh. Điều đó cho thấy vi-rút có thể tồn tại trong tinh dịch một thời gian dài sau khi các triệu chứng bệnh biến mất.

Ngoài ra, PAHO cho biết Zika còn có thể lây truyền qua đường máu. Tuy nhiên, trường hợp này khá hiếm gặp. Không có bằng chứng cho thấy Zika có thể lây lan cho trẻ qua đường sữa mẹ.

Những biến chứng khác liên quan với Zika?

WHO cho biết vì không có dịch Zika lớn bùng lên trước năm 2007, nên chưa xác định được rõ các biến chứng từ Zika. Trong một đợt bùng phát Zika năm 2013-2014 ở Polynesia, Pháp, cơ quan y tế phát hiện các ca hội chứng Guillain-Barre tăng bất thường. Ở Brazil cũng xuất hiện tình trạng tương tự.

Giới khoa học chưa thể xác định rõ các hậu quả lâu dài về sức khoẻ khi nhiễm Zika. Họ cũng chưa đưa ra kết luận chắc chắn về thời gian ủ bệnh của vi-rút, và chưa biết rõ Zika tương tác với các vi-rút khác lây lan qua đường muỗi đốt như sốt xuất huyết hay không.

>> Xem thêm: Zika nguy hiểm như thế nào so với MERS, Ebola?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!