Dạy trẻ tự bảo vệ mình trước nạn bạo hành học đường

Nuôi dạy con - 04/30/2024

Tình trạng bạo hành tại trường học ngày càng gia tăng gióng lên hồi chuông về vấn nạn này.

Khoảng mấy năm trở lại đây, các vụ bạo lực học đường ngày càng gia tăng và lan truyền trên mạng với tốc độc chóng mặt, học sinh đánh bạn, cô giáo xử phạt trò bằng các hình phạt cũng “ớn lạnh”.

Với bất kỳ hình thức như đánh đập, chửi mắng, gây căng thẳng ở mức độ nào đều xâm hại đến thân thể và làm tổn thương tinh thần cho trẻ.

Vì vậy, bạo hành học đường là nỗi lo không chỉ của gia đình mà còn của toàn xã hội.

Cậu bé bị bạn và cô giáo tát 231 cái

Mới đây nhất, dư luận dậy sóng và phẫn nộ trước chuyện một cậu bé 11 tuổi bị cô giáo và các bạn tát 231 cái vào mặt sưng vù, tâm trạng sợ hãi tới mức phải nhập viện điều trị.

Câu chuyên bắt đầu từ sự việc hết sức đơn giản tại trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Để phạt học sinh tội nói bậy, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy ra lệnh yêu cầu 23 học sinh, mỗi bạn tát Nh. 10 cái, ai tát nhẹ hoặc tát thiếu sẽ bị Nh. tát lại gấp đôi. Khi bạn cuối cùng kết thúc 'cơn mưa' tát vào mặt, cô Thủy còn tát thêm 1 phát nữa. Tổng cộng, Nh. nhận 231 cái tát vào mặt.

Dạy trẻ tự bảo vệ mình trước nạn bạo hành học đường

Bé Nh. nhập viện cấp cứu sau khi lãnh đủ 231 cái tát vào má. Nguồn ảnh: ttvn.vn.

Em Nguyễn T.N, học sinh lớp 6.2 cho biết việc tát vào mặt bạn là do cô Thủy quy định từ đầu năm học. Trước đó, cũng ở lớp này có gần 10 học sinh bị xử lý theo cách này .

Sáng ngày 26/11, Trưởng Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) - Đại tá Đoàn Thanh Tuyên cho biết, cơ quan Công an có quyết định khởi tố vụ án 'Hành hạ người khác' theo điều 140 Bộ Luật hình sự để điều tra việc cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy chỉ đạo cả lớp tát một học sinh 231 cái.

Cha mẹ phải làm gì khi con bị bạo hành

Đa số trẻ bị bạo hành không dám nói với ai vì tâm lý chung là trẻ rất sợ hãi. Trẻ sợ bị phạt, bị đánh đòn đau hơn, sợ lời đe dọa.

Mang tâm lý sợ hãi như vậy, một phần cũng do cha mẹ chưa dành nhiều thời gian quan tâm, hỏi han, chuyện trò với con cái. Nếu hàng ngày cha mẹ dành thời gian quan tâm, lắng nghe con sẽ tạo cho trẻ niềm tin rằng bố mẹ luôn ở cạnh và giúp đỡ con khi con gặp khó khăn.

Khi cả cha mẹ và con cái tạo dựng được niềm tin, mỗi khi gặp vấn đề, con sẽ sẵn sàng chia sẻ mà không sợ bị trách phạt vì bố mẹ luôn sẵn sàng cùng con giải quyết khó khăn. Hoặc bố mẹ cũng dễ nhận biết tâm lý bất thường ở con khi có vấn đề gì xảy ra.

Dạy trẻ tự bảo vệ mình khi bị bạo hành ở trường

Trẻ bị bạo hành thường có biểu hiện lo lắng, sợ hãi, không chịu nói chuyện, thu mình lại. Nếu những đứa trẻ này không giải tỏa được nỗi lo và căng thẳng kịp thời có khả năng trở nên nhút nhát, mất tự tin, nặng hơn có thể bị trầm cảm, rối loạn tâm lý, rối loạn cảm xúc.

Vậy cha mẹ nên dạy con như thế nào để tránh bị bạo hành học đường?

Đối với các trẻ nhỏ chưa có nhiều nhận thức

Nhóm trẻ mầm non, mẫu giáo, trẻ lớp 1, lớp 2 là những trẻ chưa có nhiều nhận thức. Với các bé luôn có quan điểm người lớn là đúng, người lớn nói là phải nghe lời.

Với những trẻ nhỏ như vậy, khi con đi học về, người lớn cần quan sát xem trên cơ thể trẻ có vết trầy xước, vết tím bầm, vết tấy đỏ... nào không. Bên cạnh đó, hàng ngày thường xuyên trò chuyện, hỏi các sự việc xảy ra trong lớp để nắm được tình hình của con.

Nếu phát hiện trên cơ thể con có dấu vết khác lạ như bị tác động lực, bị đánh đập, hoảng loạn tinh thần, lập tức đưa trẻ đi khám ở bệnh viện để biết rõ tình trạng vì sao con lại bị như vậy. Nắm bắt kịp thời để bố mẹ có biện pháp chăm sóc trẻ, giúp con vượt qua thời điểm sang chấn tâm lý.

Nếu có dấu hiệu bị bạo hành, cần phải thông báo với cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết.

Sau đó nên cách ly trẻ với người nghi ngờ bạo hành bé để bé có cảm giác an toàn.

Tiếp theo có thể cho trẻ thay đổi môi trường sống trong một thời gian ngắn (cho trẻ về quê thăm ông bà, cho trẻ đi du lịch) để trẻ được thư giãn và tạm quên đi những điều đã xảy ra.

Đối với trẻ đã có nhận thức

Thường là các trẻ lớn trên 8 tuổi, khi đó các em có nhận thức tốt, có thể đánh giá mọi việc xảy ra xung quanh mình một cách chính xác.

Trong trường hợp các em bị thầy cô mắng chửi, đánh đập, dọa nạt bố mẹ nên trấn an con, tạo cho con cảm giác có người thân luôn ở bên cạnh.

Bố mẹ nên dạy con về quyền bất khả xâm phạm về cơ thể, cơ thể của trẻ không ai được đụng chạm, đánh đập, kể cả thầy cô giáo, người lớn.

Trẻ con nên được dậy cần có sự phản kháng khi nguy hiểm, phải biết cầu cứu khi mình bị đánh, không được đứng yên để mặc cho người khác đánh mình.

Mọi hướng đẫn đều không phải áp dụng cho tất cả các trường hợp. Vì vậy bố mẹ trang bị cho con biết cách phản kháng khi bị tấn công, biết cách cầu cứu khi bị nguy hiểm, cách phản ứng với cái xấu là điều quan trọng giúp con biết cách bảo vệ mình trước các tình huống.

Bố mẹ nên làm gì khi con bị bạo hành ở trường?

Bố mẹ nên tìm hiểu thêm thông tin từ các phụ huynh khác (ngày nay, đa phần các bậc phụ huynh đều sử dụng mạng xã hội, thường có những nhóm phụ huynh kết nối với nhau để trao đổi về tình hình của các học sinh), có thể qua các học sinh khác kể với bố mẹ mình để đánh giá tình hình và mức độ nghiêm trọng của sự việc.

Nếu thấy con có biểu hiện hoảng loạn, sợ sệt, khóc lóc nhiều, có vết thương trên người thì cần đưa trẻ tới bệnh viện để thăm khám, tránh tình trạng trẻ bị sang chấn tâm lý, tổn thương thân thể không nhìn thấy bằng mắt thường.

Cha mẹ nên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để thấy được phản ứng của giáo viên, và có thông tin đánh giá cuối cùng.

Song song đó, cần trao đổi với Ban giám hiệu nhà trường để xem xét sự việc. Dựa vào mức độ sự việc, mức độ xâm phạm đến con, cha mẹ cần phải đến cơ quan chức năng như công an để trình báo sự việc.

Trần Huyền

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!