Theo các nhà khoa học, nguồn sữa mẹ cần được bảo vệ từ trong thời kỳ người mẹ mang thai, khi cho con bú sữa sau sinh; đồng thời nên biết thành phần sữa có thể thay đổi theo từng giai đoạn và một số tình huống có thể xảy ra ảnh hưởng đến nguồn sữa khi cho con bú để xử trí phù hợp.
Trong thời kỳ mang thai
Người mẹ muốn đủ nguồn sữa của mình để cung cấp cho việc nuôi con sau này thì phải lưu ý đến việc ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng; có chế độ nghỉ ngơi, làm việc, lao động hợp lý; có tinh thần vui vẻ, thoải mái để giúp cho sự tăng cân tốt, trọng lượng cơ thể phải tăng từ 10 - 12kg mới bảo đảm được yêu cầu. Có thể nói đây là cơ sở để có nguồn dự trữ cần thiết nhằm giúp hỗ trợ cho người mẹ trong việc sản xuất sữa đầy đủ và cần thiết sau khi sinh.
Khi cho con bú sữa
Người mẹ nuôi con bằng sữa của chính mình khi cho con bú cũng phải lưu ý thực hiện đầy đủ việc ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc, thoải mái tinh thần giống như trong thời kỳ mang thai. Người mẹ cần được ngủ đầy giấc, được ăn uống bồi dưỡng với khẩu phần thức ăn cao hơn mức thường, có đủ thành phần thịt, cá, trứng, rau, đậu, hoa quả... Trong thời kỳ mang thai, người mẹ cần có chế độ ăn uống hợp lý để có thể cung cấp năng lượng khoảng 2.550 calo nhưng khi cho con bú thì chế độ ăn phải tăng lên để bảo đảm năng lượng khoảng 2.750 calo. Các món ăn mang tính chất cổ truyền như cháo chân giò, gạo nếp, ý dĩ có tác dụng kích thích sự bài tiết sữa. Chú ý hạn chế ăn các loại gia vị như hành, tỏi, ớt... vì có thể gây nên mùi vị khó chịu trong sữa làm cho trẻ dễ bỏ bú. Đồng thời, người mẹ cũng nên hạn chế sử dụng các loại thuốc điều trị vì chúng có thể làm giảm sự tiết sữa, thay đổi mùi vị sữa do được bài tiết qua sữa mẹ.
Cần phải có tinh thần thoải mái, vui vẻ, tự tin
Khi cho con bú, người mẹ nên ăn uống nhiều nước từ các loại thực phẩm như cháo, sữa, nước hoa quả... để bảo đảm đủ lượng nước từ 1,5 - 2 lít được đưa vào cơ thể mỗi ngày. Người mẹ cũng nên biết rằng nguồn sữa được tiết theo cơ chế phản xạ, vì vậy bản thân mình cần phải có tinh thần thoải mái, vui vẻ, tự tin; tránh mọi sự căng thẳng, lo lắng, buồn phiền, xảy ra tình trạng mất ngủ... Phải sắp xếp chế độ nghỉ ngơi, làm việc, lao động một cách thích hợp. Các nhà khoa học khuyến cáo để bảo đảm có nhiều sữa, người mẹ cần cho con bú sữa thường xuyên, đúng cách. Khi trẻ bú đúng cách sẽ bú sữa có hiệu quả, không làm đau rát vú của người mẹ.
Thành phần thay đổi của sữa mẹ
Như trên đã nêu, nguồn sữa mẹ phụ thuộc vào chế độ ăn uống, dinh dưỡng, nghỉ ngơi, làm việc, lao động, trạng thái tinh thần... của người mẹ trong thời kỳ mang thai và khi nuôi con bằng sữa. Tuy vậy thành phần sữa có thể thay đổi theo từng giai đoạn mà người mẹ cũng nên có sự hiểu biết cần thiết.
Sữa non là sữa được tiết ra trong vài ngày đầu sau khi sinh, có màu vàng nhạt và đặc sánh; chúng có nhiều chất bảo vệ cơ thể của trẻ sơ sinh, giúp chống tình trạng nhiễm khuẩn và dị ứng. Sữa non cũng có tác dụng nhuận trường nhẹ, giúp cho trẻ đào thải được phân su trong ruột, trẻ đỡ bị vàng da. Đồng thời, các yếu tố hiện diện và phát triển trong sữa non sẽ giúp bộ máy tiêu hóa của trẻ sớm được trưởng thành. Trong sữa non cũng có nhiều vitamin A. Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo người mẹ nên cho trẻ bú sớm sữa non sau khi được sinh ra. Lưu ý không được cho trẻ ăn hoặc uống bất kỳ một loại thức ăn, thức uống nào trước khi trẻ bắt đầu bú sữa non của người mẹ.
Sữa trưởng thành được người mẹ tiết ra trong vòng 2 tuần đầu sau khi trẻ sinh ra. Số lượng sữa sẽ tăng dần và có sự thay đổi trong thành phần của sữa, tính chất sữa có vẻ loãng hơn nhưng không phải là không tốt mà là biểu hiện bình thường và rất tốt cho trẻ được bú. Trong một bữa trẻ bú sữa mẹ, thành phần của sữa cũng thay đổi: sữa đầu là sữa ở đầu bữa bú của trẻ, chúng có màu trắng trong và loãng; trẻ bú sữa đầu sẽ nhận được nhiều nước và đủ chất dinh dưỡng; sữa cuối là sữa ở cuối bữa bú của trẻ, chúng có màu trắng đục vì chứa nhiều chất béo có nhiều năng lượng giúp trẻ tăng cân tốt.
Cần lưu ý ngay sau khi sinh không nên cho trẻ uống nước đường, nước cam thảo hoặc các loại sữa khác vì sẽ làm trẻ bú mẹ muộn hơn, ảnh hưởng đến việc ngậm vú của trẻ, làm sữa tiết kém và có thể làm trẻ bị tiêu chảy khi quá trình pha chế không hợp vệ sinh. Cũng không nên cho trẻ bú bình vì sẽ ảnh hưởng đến việc trẻ bú mẹ sau này. Nên theo dõi trẻ để phát hiện các dấu hiệu bất thường như trẻ có biểu hiện tăng cân kém dưới 500g mỗi tháng hoặc 120g mỗi tuần; trẻ nhẹ cân hơn lúc sinh sau 2 tuần tuổi vì trong tuần đầu trẻ có hiện tượng sụt cân sinh lý; trẻ tiểu tiện ít, thường dưới 6 lần mỗi ngày, nước tiểu cô đặc và có màu vàng, nặng mùi. Ngoài ra cũng chú ý các dấu hiệu bất thường khác như trẻ không thoải mái sau các bữa bú, trẻ khóc thường xuyên, các bữa bú quá ngắn hoặc quá dài, trẻ đại tiện có phân rắn, người mẹ không có sữa khi cố vắt sữa và sữa không xuống sau khi sinh.
Núm vú bị nứt khi cho trẻ bú sữa
Trong thực tế, một số trường hợp người mẹ có núm vú bị nứt khi cho con bú sữa cũng có thể làm ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ. Núm vú người mẹ bị nứt thường có nguyên nhân do đứa trẻ ngậm bắt vú kém, chỉ mút ở đầu núm vú, không ngậm đủ quầng vú vào miệng nên không hút được sữa hoặc do người mẹ kéo dứt trẻ ra khỏi núm vú quá nhanh khi trẻ đang ngậm chặt núm vú làm tổn thương da ở núm vú, gây nứt núm vú, nứt ngang núm vú hoặc nứt chung quanh núm vú gọi là nứt cổ gà. Nếu không được phát hiện và xử trí điều trị sớm sẽ dẫn đến tình trạng viêm vú hay ápxe vú. Tình trạng viêm vú càng dễ xảy ra nếu cho trẻ ngừng bú và sữa không được lấy ra khỏi vú.
Vì vậy để khắc phục trình trạng này, người mẹ khi cho con bú sữa cần sửa lại tư thế bú để giúp trẻ ngậm bắt vú tốt, tiếp tục cho trẻ bú bắt đầu ở bên vú không đau. Sau khi cho con bú xong, để trẻ tự nhả núm vú ra, bôi sữa mẹ lên chỗ vú bị nứt sẽ có tác dụng giúp da mau lành. Nếu trẻ chưa bú sữa tốt, phải vắt sữa cho trẻ uống bằng bằng cốc hoặc bằng thìa. Khi người mẹ đỡ đau do tình trạng nứt núm vú, phải cho trẻ bú sữa trở lại.
Núm vú quá ngắn khi cho trẻ bú sữa
Khi cho trẻ bú sữa mẹ, thực tế độ dài của núm vú không quan trọng vì chỉ chỉ cần cho trẻ ngậm bắt vú đúng thì có thể mút được sữa; do đó khi người mẹ có núm vú ngắn thì trẻ vẫn có thể bú được sữa. Trường hợp người mẹ có đầu núm vú dẹt, ngắn nhưng kéo ra được thì trẻ vẫn có thể ngậm vú sâu và mút được nhiều sữa. Một số trường hợp núm vú không co giãn tốt trong lúc mang thai nhưng sau khi sinh đẻ, cho trẻ mút đầu núm vú sẽ làm cho núm vú được kéo dài ra nên trẻ vẫn có thể bú được sữa. Rất ít khi gặp các trường hợp núm vú của người mẹ bị tụt hẳn vào bên trong.
Khi gặp trường hợp núm vú của người mẹ bị tụt hẳn vào trong, có thể xử trí bằng cách kéo giãn hai bên quầng vú thì vú sẽ lồi ra và trông dài hơn. Cần nhẹ nhàng kéo đầu vú và quầng vú ra để tạo thành một cái núm vú. Nếu núm vú co giãn dễ dàng thì người mẹ có thể cho con bú dù núm vú có ngắn một chút. Khi núm vú bị tụt sâu vào trong, người mẹ có thể dùng bơm hút sữa bằng tay để kéo núm vú ra. Trường hợp người phụ nữ có núm vú tụt hẳn vào trong, lưu ý trước khi mang thai có thể tập vê hai đầu vú mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 5 phút có thể làm cho núm vú sẽ giãn tốt hơn; sau khi sinh phải cho trẻ bú sữa càng sớm càng tốt, bảo đảm phương pháp bú đúng cách thì núm vú sẽ giãn tốt. Trường hợp vú bị ứ sữa nhiều, người mẹ phải vắt bớt sữa để cho vú mềm giúp trẻ có thể ngậm bắt vú dễ dàng. Cần quan tâm việc luyện tập cho trẻ ngậm hết đầu núm vú và một phần của quầng vú ở trong miệng để giúp trẻ có thể bú được dễ dàng mặc dù núm vú có ngắn, co giãn kém hoặc có bị tụt vào bên trong. Nên nhớ rằng, người mẹ biết cách cho con ngậm núm vú trong khi bú sữa đúng phương pháp sẽ quan trọng hơn là độ dài của núm vú để tiếp nhận được nguồn sữa mẹ đầy đủ và cần thiết.
Lời khuyên của thầy thuốc
Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ là vấn đề khá phổ biến mà ai cũng biết và phù hợp với tập quán nuôi con đã có từ lâu đời của các người mẹ cũng như phù hợp tính khoa học. Sữa mẹ được xác định là thức ăn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sinh ra trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời để lớn lên và phát triển vào thời gian sau đó. Tuy nhiên, nguồn sữa mẹ cần phải được bảo vệ với những kiến thức hiểu biết và việc làm cần thiết, cụ thể từ khi người mẹ bắt đầu mang thai để bảo đảm việc cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ theo yêu cầu của trẻ. Việc đơn giản, dễ thực hiện nhưng cần được các người mẹ quan tâm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!