Đề phòng một số thuốc gây xuất huyết tiêu hóa

Cần biết - 11/24/2024

Xuất huyết tiêu hoá là hiện tượng máu thoát ra khỏi lòng mạch chảy vào ống tiêu hoá, biểu hiện lâm sàng là nôn ra máu và đi ngoài ra máu.

Xuất huyết tiêu hóa do thuốc là một biến chứng nặng, thậm chí có thể gây tử vong. Vì vậy, khi sử dụng các thuốc có tác dụng phụ gây xuất huyết tiêu hóa cần phải hết sức thận trọng. Dưới đây là một số loại thuốc có khả năng gây xuất huyết tiêu hóa mà bạn nên biết.

Các thuốc cần phải đề phòng

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là một trong những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị. Cơ chế hoạt động của NSAID là ức chế sự hoạt động của enzyme Cyclooxygenase (COX), ngăn chặn sự sản sinh ra prostaglandin.

Do prostaglandin là hoạt chất trung gian có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột nên khi sử dụng các thuốc này trong một thời gian dài thường gây ra tác dụng phụ xuất huyết đường tiêu hóa.

Tỷ lệ gặp phản ứng có hại trên đường tiêu hóa dao động từ 5 - 50% ở những bệnh nhân dùng NSAID kinh điển và NSAID ức chế chọn lọc COX-2. Khoảng 1-2% số bệnh nhân sử dụng NSAID phải nhập viện do các biến chứng nghiêm trọng như thủng và xuất huyết tiêu hóa. Cả hai biến chứng này đều có tỷ lệ tử vong cao.

Nguy cơ xuất hiện biến chứng xuất huyết tiêu hóa khác nhau giữa các thuốc trong nhóm, cụ thể như sau:

Các thuốc có nguy cơ thấp:celecoxib, etodolac, ibuprofen, meloxicam, nabumeton, salsalat.

Các thuốc có nguy cơ cao: flurbiprofen, indomethacin, ketorolac, meclofenamat, naproxen, oxaprozin, piroxicam.

Đề phòng một số thuốc gây xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hoá là một biến chứng nặng khi dùng thuốc.

Thuốc chống tập kết tiểu cầu:Nhóm thuốc chống tập kết tiểu cầu (aspirin, clopidrogel, ticagrelor...) ngăn chặn sự kết dính các tiểu cầu trong quá trình đông máu theo nhiều cơ chế khác nhau.

Do đó, nhóm thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự hình thành huyết khối ở động mạch nên đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị và dự phòng các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, khi sử dụng trong một thời gian dài, nhóm thuốc này sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất huyết.

Nhóm thuốc chống đông máu:Các thuốc chống đông máu được chia làm 2 nhóm:

Nhóm thuốc chống đông máu cũ (heparin, warfarin...) thường được sử dụng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch. Các thuốc này tác động đối kháng thụ thể với vitamin K, ức chế vitamin K tổng hợp ra các yếu tố đông máu nên có tác dụng chống đông máu và làm gia tăng nguy cơ xuất huyết khi sử dụng trong một thời gian dài.

Nhóm thuốc chống đông máu mới (apixaban, dabigatran, rivaroxaban, edoxaban) thường được sử dụng qua đường uống nên còn được gọi là thuốc chống đông máu đường uống mới (NOAs: New oral anticoagulants). Nhóm thuốc này ức chế trực tiếp các yếu tố cần thiết của quá trình đông máu nên khi sử dụng một thời gian dài sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất huyết.

Hiện nay, các nhóm thuốc chống đông máu trên thường được sử dụng để phòng ngừa và điều trị các bệnh lý huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi và đột quỵ.

Thuốc chống trầm cảm: Nhóm thuốc ức chế tái thu hồi chọn lọc noradrenalin -SNRI (desvenlafaxin, duloxetin, venlafaxine) và nhóm thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin - SSRI (fluoxetin, paroxetine, sertralin...) là những thuốc thường được sử dụng trong điều trị trầm cảm.

Khi một mạch máu bị tổn thương, tiểu cầu sẽ phóng thích serotonin gây co mạch và kết tập các tiểu cầu lại với nhau giúp ngưng chảy máu. Do các nhóm thuốc trên ức chế sự tái hấp thu serotonin vào tiểu cầu nên khi sử dụng sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất huyết.

Thuốc gây táo bón: Một số loại thuốc trong quá trình sử dụng gây ra tác dụng phụ táo bón như: thuốc kháng axít (nhôm hydroxid, canxi carbonat); thuốc lợi tiểu (furosemid, hydroclorothiazid); thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitryptilin); thuốc giảm nhu động ruột (diphenoxylat, loperamid); thuốc chống co thắt cơ trơn tiêu hóa (dicyclomin, hyoscyamin); thuốc bổ sung sắt...

Táo bón nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng viêm trực tràng hay nứt hậu môn gây ra chảy máu ở trực tràng. Vì vậy, các thuốc gây táo bón là những thuốc tác động một cách gián tiếp làm gia tăng nguy cơ xuất huyết.

Những lưu ý cần thiết

Xuất huyết tiêu hóa do thuốc là một biến chứng nặng, tác động tiêu cực đến an toàn của người bệnh. Vì vậy, khi sử dụng các thuốc có tác dụng phụ gây xuất huyết tiêu hóa cần phải hết sức thận trọng, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao như: người có tiền sử xuất huyết đường tiêu hóa hay viêm loét dạ dày - tá tràng, người suy thận hay người cao tuổi...

Bên cạnh đó, cần tránh dùng kết hợp các thuốc có thể gây xuất huyết tiêu hóa cùng với nhau. NSAID được sử dụng rộng rãi vì có thể được mua với mục đích giảm đau không cần đơn. Nếu dùng để giảm đau, có thể sử dụng paracetamol với liều không quá 3g/ngày. Chỉ nên sử dụng aspirin nếu được kê đơn.

Duy trì chế độ ăn hợp lý đóng vai trò rất quan trọng cho những bệnh nhân đang sử dụng warfarin. Thay đổi đột ngột trong chế độ ăn bao gồm tăng hoặc chứa lượng lớn rau xanh, nhiều lá hoặc các thức ăn giàu vitamin K sẽ gây đông máu, giảm INR và tăng nguy cơ xuất huyết.

Với bệnh nhân đang sử dụng thuốc có nguy cơ gây xuất huyết do táo bón, nên ăn nhiều rau và hoa quả, uống nhiều nước. Điều trị bằng thuốc không cần kê đơn như thuốc nhuận tràng chứa chất xơ hoặc thuốc làm mềm phân là một lựa chọn hợp lý.

Xuất huyết tiêu hóa do thuốc là một biến chứng nặng, tác động tiêu cực đến an toàn của người bệnh. Vì vậy, khi sử dụng các thuốc có tác dụng phụ gây xuất huyết tiêu hóa, cần phải hết sức thận trọng, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao như: Người có tiền sử xuất huyết đường tiêu hóa hay viêm loét dạ dày - tá tràng, người suy thận hay người cao tuổi...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!