Bạn có bao giờ cho bé nghe nhạc hoặc thưởng thức một video ca nhạc bằng tai nghe? Cẩn thận nhé, việc này có thể ảnh hưởng đến thính giác của con mà người lớn không hề hay biết.
Chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh cần chú ý và xác định xem loại thiết bị nào có thể phát ra mức âm thanh trong giới hạn an toàn, tránh cho trẻ bị ù tai hoặc nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến việc mất thính giác.
Tuy nhiên, một phân tích mới trên tờ The New York Times đã phát hiện ra một nửa trong số 30 bộ tai nghe dành cho trẻ em được thử nghiệm không có mức hạn chế âm lượng chuẩn giới hạn. Những chiếc tai nghe tồi tệ có thể phát ra âm thanh to đến nỗi có thể gây tổn thương cho tai chỉ trong vài phút.
Mất thính lực
Một nghiên cứu mới vừa được công bố ở Hoa Kỳ cho thấy cứ 5 trẻ thiếu niên thì có một trẻ mắc dấu hiệu của sự mất thính giác và con số trên đang ngày càng gia tăng. Đã có những báo cáo khác được trích dẫn từ một nghiên cứu trước đây của Úc cho thấy 70% trẻ em sẽ có nguy cơ bị mất thính giác do sử dụng thiết bị tai nghe cá nhân.
Theo các chuyên gia y tế, sự mất thính giác này thường bắt đầu trước khi trẻ đến tuổi thanh thiếu niên vì ở giai đoạn trẻ nhỏ có hệ tai ngắn hơn và chưa phát triển đầy đủ để có thể bảo vệ khỏi những tác động lớn từ âm nhạc hoặc tiếng trò chơi. Hơn thế nữa, dù ở bất kì độ tuổi nào thì tai con người cũng không thể chịu đựng được tần suất âm thanh lớn trong một khoảng thời gian dài.
Bạn cũng không nên hoảng loạn vì các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện nhi đồng Boston đã xác định việc nghe nhạc bằng tai nghe gắn với máy nghe nhạc cầm tay sẽ tương đối an toàn đối với đôi tai nếu âm lượng thiết bị được thiết lập không quá 60% mức hoạt động tối đa của sản phẩm và thời lượng nghe là không quá một giờ.
Cách bảo vệ đôi tai của bé khi đeo tai nghe
Đây là một số biện pháp đơn giản mà các bậc phụ huynh có thể thực hiện để bảo vệ tai của trẻ mà vẫn có thể cho bé sử dụng tai nghe.
Sử dụng loại tai nghe hình “nụ”. Loại tai nghe này có thể đặt vào trong tai thay thế cho các loại tai nghe đặt ngoài tai vì chúng vừa vặn và đủ để không cho tiếng ồn thoát ra ngoài.
Kiểm tra âm lượng nghe nhạc. Nếu bạn có thể nghe thấy tiếng nhạc từ tai nghe của con mình từ cách xa một mét thì điều đó chứng tỏ mức âm thanh từ máy là quá lớn. Hãy nhắc nhở các bé giảm âm lượng để tránh gây thiệt hại cho thính giác.
Cài đặt mức âm lượng. Có nhiều máy nghe nhạc cá nhân không có các chỉ số kiểm soát âm thanh. Tuy nhiên, có một cách dễ dàng để bạn có thể thiết lập mức độ nghe an toàn là cài đặt âm lượng ở mức an toàn và khóa lại. Bạn cũng có thể giấu các nút thay đổi âm lượng trên tai nghe rồi mới cho trẻ sử dụng.
Quy định thời gian nghe cho trẻ.Hãy cho tai của bé được nghỉ ngơi và không nên để trẻ sử dụng tai nghe nhiều hơn một tiếng đồng hồ mỗi lần.
Trong trường hợp bạn chưa biết, Hello Bacsi sẽ mách rằng hầu hết các máy nghe nhạc iPod đều cho phép bạn thiết lập giới hạn âm lượng tối đa và các bậc phụ huynh có thể chỉnh sửa một chúng một cách “bí mật” để ngăn trẻ thay đổi cài đặt âm lượng.
Sử dụng những loại tai nghe an toàn cho trẻ em. Bạn có thể chọn cho bé một loại tai nghe phù hợp vì trên thị trường có rất nhiều chủng loại đa dạng với mức âm lượng bật tối đa thấp hơn bình thường và cũng phù hợp hơn với đôi tai của trẻ nhỏ.
Hướng dẫn và cung cấp kiến thức cho trẻ về việc sử dụng tai nghe an toàn. Hãy đảm bảo cho con mình nhận thức được sự nguy hiểm của việc nghe nhạc với âm lượng to trong thời gian dài. Đồng thời đặt ra những giới hạn về việc đeo tai nghe giống như cách bạn đặt giới hạn xem truyền hình hoặc chơi trò chơi điện tử cho bé.
Hãy bảo vệ sức khỏe cho tai trẻ nhỏ ngay từ bây giờ để có thể tránh được những tác động xấu không mong muốn về sau này.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Mất thính giác do biến chứng bệnh tiểu đường
- Đeo tai nghe ảnh hưởng đến thính giác của trẻ nhỏ
- Bạn cần biết gì về ăn vặt ở trẻ em?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!