Nhiều bà bầu than phiền về việc đi tiểu nhiều khi mang thai làm gián đoạn công việc, giấc ngủ khiến họ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Vậy nguyên nhân do đâu gây nên tình trạng này, làm thế nào để khắc phục?
Đi tiểu nhiều lần khi mang thai có thể được coi là một dấu hiệu mang thai sớm. Trong những tuần đầu của thai kỳ, khoảng 5 – 20 tuần, nguyên nhân khiến bà bầu đi tiểu nhiều khi mang thai liên quan đến một số thay đổi nồng độ nội tiết tố và tăng lưu lượng máu xảy ra trong cơ thể.
Ngoài ra, bàng quang bị tử cung chèn ép dẫn đến việc giảm khả năng chứa nước tiểu cũng khiến bà bầu có nhu cầu đi tiểu nhiều hơn so với trước kia. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn đi tiểu nhiều khi mang thai và hướng khắc phục tình trạng này một cách hiệu quả và an toàn.
Nguyên nhân gây nên tình trạng đi tiểu nhiều khi mang thai
Trong tam cá nguyệt đầu tiên, nguyên nhân khiến bạn đi tiểu nhiều lần khi mang thai chủ yếu là do sự thay đổi nội tiết tố cùng sự phát triển kích thước của tử cung gây áp lực lên bàng quang.
Trong tam cá nguyệt thứ hai: Kích thước tử cung không ngừng tăng lên nhưng do được xương chậu nâng đỡ giúp giảm áp lực lên bàng quang nên ở nhiều người nhu cầu đi tiểu khi mang thai có xu hướng giảm.
Trong tam cá nguyệt thứ ba: Trong giai đoạn này, thai nhi bắt đầu xoay đầu để chuẩn bị sinh gây áp lực lên bàng quang làm tăng tần suất đi tiểu.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng đi tiểu nhiều khi mang thai:
1. Thay đổi nội tiết
Hormone hCG hoạt động trong thai kỳ là một trong những nguyên nhân chính thức đẩy bạn có nhu cầu đi tiểu nhiều khi mang thai. Hormone này làm tăng lưu lượng máu về phía vùng chậu, tử cung và thận. Đây là các nguyên nhân làm cho bàng quang bị chèn ép khiến bạn có nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn.
2. Áp lực tác động lên bàng quang
Khi không mang thai, bàng quang của phụ nữ có thể chứa được một lượng lớn nước tiểu (khoảng 400 – 500ml). Trong ba tháng đầu của thai kỳ, việc tử cung mở rộng và bắt đầu chèn ép lên bàng quang khiến bộ phận này không thể giữ nước tiểu nhiều và lâu. Điều này thúc đẩy nhu cầu đi tiểu ở phụ nữ mang thai.
3. Lượng chất lỏng dư thừa
Bạn có biết trong toàn bộ thai kỳ, lượng máu trong cơ thể bạn sẽ tăng và tăng hơn gần 50% so với trước khi thụ thai? Do đó, thận phải làm việc nhiều hơn để lọc bỏ chất thải, lượng chất lỏng dư thừa nhiều hơn, làm tăng lượng nước tiểu khiến bạn muốn đi tiểu nhiều hơn trước.
4. Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bàng quang
Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu hay nhiễm trùng bàng quang không được điều trị có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng. Đi tiểu thường xuyên là một trong số đó. Các triệu chứng khác bao gồm cảm giác nóng rát khi đi tiểu, nước tiểu có máu, đi tiểu đau… Nghiêm trọng hơn, các tình trạng nhiễm trùng này có thể dẫn đến sinh non hoặc sẩy thai.
Mời bạn đọc bài viết Vì sao có tình trạng sẩy thai tự nhiên? để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích.
Mẹo giúp giảm đi tiểu nhiều khi mang thai
1. Ngồi chúi người về phía trước trong khi đi tiểu
Việc chúi người về phía trước trong khi đi tiểu nhằm tạo một lực ép lên bàng quang. Điều này giúp bàng quang có thể đẩy sạch nước tiểu ra ngoài, giúp khoảng thời gian giữa các lần đi tiểu được kéo dài hơn.
2. Tránh các thức uống có tính chất lợi tiểu
Phụ nữ mang thai nên tránh các đồ uống có tính chất lợi tiểu như trà, cà phê, các loại giải khát như soda…
3. Không uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ
Bạn cần cắt giảm lượng chất lỏng nạp vào cơ thể trước khi đi ngủ nhưng vẫn phải đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ nước. Theo Viện Y học Hoa Kỳ, phụ nữ mang thai nên uống 8 – 10 cốc nước hoặc đồ uống khác (sữa, nước trái cây) mỗi ngày. Điều này giúp cơ thể có đủ lượng nước cần thiết cho các hoạt động.
Bạn có thể nhận biết mình uống đủ nước hay chưa thông qua việc quan sát màu sắc của nước tiểu. Nước tiểu trong hoặc có màu vàng nhạt nghĩa là bạn đã uống đủ nước. Nước tiểu có màu vàng đậm hoặc đục là dấu hiệu cho biết cơ thể bạn cần lượng nước nhiều hơn so với lượng bạn đang uống mỗi ngày.
4. Thực hiện bài tập Kegel
Thực hiện các bài tập Kegel giúp tăng sức mạnh cho cơ sàn chậu, giúp giảm tình trạng đi tiểu không tự chủ do căng thẳng và giúp dễ dàng phục hồi sau sinh. Điều thú vị là các bài tập này có thể tập bất cứ lúc nào, miễn là bạn có thời gian để tập. Hãy thực hiện khoảng 3 lần/ngày, với 10 – 20 cơn co thắt khoảng 10 giây. Bạn nên thực hiện các bài tập Kegel sớm khi mang thai và duy trì sau khi sinh để nhận được nhiều lợi ích hơn.
Bạn hãy đọc thêm bài viết Bài tập Kegel là gì? Bài tập giúp cuộc yêu thăng hoa.
5. Đi tiểu trước khi đi ngủ
Hãy cố gắng đi tiểu trước khi bước lên giường ngủ. Một điều lưu ý là quãng đường từ giường ngủ đến nhà vệ sinh phải đảm bảo an toàn, không có vật cản, công tắc đèn chiếu sáng được đặt ở vị trí thuận tiện để bảo đảm an toàn.
6. Đi tiểu ngay khi có nhu cầu
Hãy đi tiểu ngay khi bạn có cảm giác buồn tiểu. Nguyên do là việc nhịn tiểu nhiều lần có thể khiến cơ sàn chậu bạn bị suy yếu dẫn đến tiểu không tự chủ. Do đó, nếu phải xếp hàng chờ đi tiểu ở nhà vệ sinh công cộng, bạn đừng ngần ngại khéo léo đề nghị người khác nhường chỗ cho bạn.
7. Dùng băng vệ sinh
Nếu bị rỉ nước tiểu khi ho, hắt hơi hay vận động mạnh, bạn nên mang băng vệ sinh hằng ngày.
Khi nào bạn nên đi khám?
Nếu bạn đã thực hiện các mẹo ở trên mà tình trạng đi tiểu nhiều lần khi mang thai không được cải thiện hoặc bạn bị tiểu rát, tiểu buốt hoặc có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác, hãy đi khám sớm.
Bác sĩ có thể đề nghị bạn làm một số xét nghiệm chẩn đoán như siêu âm, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm áp lực bàng quang (bladder stress test), soi bàng quang…
Sau khi sinh khoảng vài ngày, nhu cầu đi tiểu thường xuyên sẽ không giảm. Nguyên do là lúc này, cơ thể bạn đang cố gắng loại bỏ các chất lỏng dư thừa sản sinh trong suốt thai kỳ. Nhưng nếu tình trạng đi tiểu nhiều kéo dài, bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán. Ngoài ra, việc giảm cân sau sinh sinh cũng có thể giúp giảm bớt tình trạng đi tiểu nhiều. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là giảm cân sau sinh cần rất nhiều thời gian.
Tham khảo các giảm cân sau sinh hiệu quả qua bài viết 4 bí quyết cần nhớ nếu bạn muốn giảm cân nhanh sau sinh.
Lan Quan / HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Kiêng cữ khi mang thai: Những điều nên và không nên làm
- Những điều bạn cần biết về các xét nghiệm máu khi mang thai
- Tìm hiểu về nước tiểu khi mang thai và nguy cơ kèm theo
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!