Dịch vụ y tế nào tăng giá nhiều nhất từ 1/3?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Với lần điều chỉnh giá này, 25 dịch vụ y tế có mức tăng trên 3 lần còn phần lớn là các dịch vụ có chi phí thấp.

Ngày 1/3, Thông tư liên tịch số 37 giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính về điều chỉnh viện phí có hiệu lực. Để giúp người dân hiểu rõ hơn về điều này, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế - đã cung cấp cho độc giả những thông tin liên quan.

Phí khám chữa bệnh (viện phí) = Giá dịch vụ y tế + Tiền thuốc

Dịch vụ y tế nào tăng giá nhiều nhất từ 1/3?

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế (Ảnh: Tuổi trẻ)

Theo Thông tư 37, từ 1/3 sẽ đồng loạt tăng giá 1.887 dịch vụ y tế. Tuy nhiên, trong tổng chi phí khám chữa bệnh mà người dân hay gọi là viện phí có tới 50-60% là tiền thuốc, không bị ảnh hưởng bởi đợt điều chỉnh giá này. Nhiều người hiểu nhầm trước đây đi bệnh viện, chi phí hết 10 triệu đồng, nay hết 30-70 triệu đồng, tăng 2-7 lần là chưa đúng.

Ví dụ một bệnh, trước đây viện phí là 10 triệu đồng, có 4 triệu đồng là tiền dịch vụ như khám bệnh, ngày giường bệnh, chiếu, chụp, xét nghiệm, phẫu thuật, thủ thuật... còn 6 triệu đồng là tiền thuốc.

Từ 1/3, tiền thuốc 6 triệu đồng không thay đổi, tiền dịch vụ từ 4 triệu đồng tăng lên thành khoảng 5,2 triệu đồng, tổng chi 11,2 triệu đồng, chỉ tăng 1,2 triệu đồng.

Nếu người đó có BHYT, được BHYT thanh toán 100% thì 1,2 triệu đồng này do BHYT thanh toán, người bệnh không phải thanh toán, không ảnh hưởng.

Nếu người đó được BHYT thanh toán 95%, thì họ đã được bên bảo hiểm chi trả 95% x 1,2 triệu đồng = 1.140.000 đồng, và chỉ phải trả thêm 5% x 1,2 triệu đồng = 60.000 đồng. Còn nếu được bảo hiểm thanh toán 80% thì số tiền tăng lên chỉ là 20% x 1,2 triệu đồng = 240.000 đồng;

Như vậy, thực chất phần người dân chi trả tăng thêm không nhiều nếu có BHYT.

Cách tính giá dịch vụ y tế từ 7/2016

Từ 1/3/2016 tăng thêm tiền phụ cấp thường trực 24/24h và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật nên giá khám bệnh, giá dịch vụ xét nghiệm về cơ bản không tăng, chỉ tăng giá ngày giường do cộng thêm phụ cấp thường trực 24/24h và các phẫu thuật, thủ thuật cộng thêm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo từng loại: phẫu thuật loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III; thủ thuật loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III.

Dịch vụ y tế nào tăng giá nhiều nhất từ 1/3?

Bảng giá dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai được thông báo công khai (Ảnh: Việt Hùng)

Từ 1/7/2016 giá của các nhóm dịch vụ như sau:

- Giá khám bệnh = giá năm 2012 + tiền lương;

- Giá ngày giường bệnh = giá năm 2012 + tiền lương + phụ cấp thường trực 24/24h;

- Giá các dịch vụ chiếu, chụp, xét nghiệm = giá 2012 + tiền lương;

- Giá các phẫu thuật, thủ thuật = giá 2012 + tiền lương + phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.

* Tổng hợp chung: có 43 dịch vụ giảm giá do tính lại chi phí trực tiếp, chỉ có một số ít (25) dịch vụ có mức tăng tương đối cao (>3 lần) nhưng phần lớn là các dịch vụ có mức giá thấp.

Ví dụ, giá khám bệnh của bệnh viện hạng IV năm 2012 là 7.000 đồng chưa có lương, giá năm 2016 có lương là 29.000 đồng, tăng 22.000 đồng.

Việc tính 22.000 đồng tiền lương như sau: 1 bàn khám gồm 1 bác sĩ + 1 người giúp việc, lương phụ cấp, các khoản đóng BHYT, BHXH của 2 người 1 tháng khoảng 16 triệu đồng, 1 ngày 727.000 đồng, 1 ngày khám được 30-40 bệnh nhân, lấy bình quân 37 bệnh nhân (thực tế chỉ 1 số ít bệnh viện quá tải số người khám cao hơn, còn phần lớn ở mức này); tiền lương phân bổ cho 1 lượt khám là 19.600 đồng, cộng với lương của bộ phận gián tiếp, quản lý là 22.000 đồng, cộng với 7.000 đồng là 29.000 đồng.

Còn phần lớn mức giá thực hiện từ ngày 1/3 chỉ tăng khoảng 30% so với hiện nay, thực hiện từ 1/7 tăng khoảng 50%.

Các dịch vụ có chi phí lớn như các phẫu thuật, thủ thuật mức tăng thấp hơn nhiều, chỉ 10-20%.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!