Từ 1/6, điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ theo lộ trình

Sống khỏe mạnh - 05/02/2024

Để đảm bảo quyền lợi về tài chính của mình trong chăm sóc sức khỏe, người dân cần và nên tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

Để đảm bảo quyền lợi về tài chính của mình trong chăm sóc sức khỏe, người dân cần và nên tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là khuyến cáo được các chuyên gia về lĩnh vực BHYT và tài chính y tế dành cho những người dân chưa tham gia BHYT khi từ ngày 1/6 tới đây, giá của hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh đối với người chưa tham gia BHYT...

Bệnh nhân sử dụng kỹ thuật cao, phải chi 100% từ tiền túi là rất lớn

Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 1/6/2017 các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Với việc kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí 3 yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2-3 lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam cho biết, điều khác nhau cơ bản giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT là bệnh nhân BHYT đã được quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí KCB. Như vậy khoản tiền người KCB không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ. Đặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao thì mức chi 100% từ tiền túi rất lớn, ví dụ như chụp PET/CT chi phí tối đa đã lên tới hơn 20 triệu đồng; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng...

Từ 1/6, điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ theo lộ trình

Người dân cần và nên tham gia BHYT. Ảnh: TM

Sẽ triển khai thành 3 đợt

Theo Bộ Y tế, với những đơn vị tự chủ về tài chính, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ thực hiện từ ngày 1/6. Các cơ sở KCB tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên sẽ thực hiện vào tháng 8, tháng 10 hoặc tháng 12/2017.

Để hạn chế những tác động, việc thực hiện giá viện phí mới sẽ triển khai thành 3 đợt trong năm nay. Trước tiên, viện phí mới áp dụng tại 20 địa phương có mức tham gia BHYT trên 85% (Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang...), sau đó thực hiện ở 20% địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT trên 80% và đợt 3 dự kiến thực hiện vào cuối năm ở các tỉnh còn lại.

Lộ trình tăng giá dịch vụ y tế này đã có độ “trễ” rất nhiều theo Luật BHYT

Theo ông Lê Văn Phúc, thực tế thì lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này đã có độ “trễ” rất nhiều theo Luật BHYT, bởi sau 1 năm giá dịch vụ y tế dành cho khoảng gần 20% dân số chưa có thẻ BHYT này mới đuổi kịp giá của những người đang KCB BHYT. Hiện nay, người chưa tham gia BHYT khi đi KCB vẫn đang trả mức giá thấp hơn nhóm dân số có thẻ BHYT, bởi giá dịch vụ y tế dành cho người chưa có thẻ BHYT chỉ mới kết cấu 3 yếu tố chi phí trực tiếp: Chi phí thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế phục vụ KCB; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ. Chưa kể, giá các dịch vụ y tế này vẫn đang được quy định tại các Thông tư có mức giá khá “lạc hậu” so với thời giá hiện nay như Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTB&XH ban hành từ năm 2006, Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC năm 2012.

Trong khi đó, trong năm vừa qua, quỹ BHYT đã chi trả phần lớn chi phí thay cho những người KCB BHYT mức giá dịch vụ y tế kết cấu cả tiền lương, phụ cấp theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc.

Tại sao lại có độ trễ về thời gian cho nhóm đối tượng này? Ông Phúc cho hay, đó là vì Chính phủ muốn tạo thời gian chuyển tiếp cần thiết cho những người chưa tham gia BHYT thực hiện trách nhiệm của mình trong chủ trương BHYT toàn dân. Giá dịch vụ y tế hiện nay dù được điều chỉnh thì cũng mới kết cấu 4/7 yếu tố chi phí. Lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vẫn đang được thực hiện song song với việc thay đổi cơ chế tài chính y tế, Chính phủ sẽ chuyển sang đầu tư trực tiếp cho người dân thông qua hỗ trợ tham gia BHYT thay vì rót ngân sách vào các BV.

Bộ Y tế cho biết đang phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách cấp tiền lương cho các BV hiện nay để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT. Hiện người cận nghèo được hỗ trợ 70-100% chi phí mua thẻ BHYT. Các địa phương cũng nâng mức hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình để tham gia BHYT (đang hỗ trợ tối thiểu 30%).

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!