Điện Biên chú trọng 'chìa khóa' nâng cao chất lượng dân số

Thời sự - 11/24/2024

Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh (SLTS&SLSS) là biện pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh để những đứa trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tại Điện Biên, chương trình SLTS&SLSS đã được triển khai tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố với 100% xã, phường, thị trấn.

Điện Biên chú trọng 'chìa khóa' nâng cao chất lượng dân số

Cán bộ y tế huyện Mường Nhé siêu âm, sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai. Ảnh: P.Linh

Rất cần thiết đối với sự phát triển toàn diện của trẻ

Triển khai từ năm 2014, chương trình SLTS&SLSS được Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh Điện Biên phối hợp với các trung tâm y tế, đơn vị y tế tạo điều kiện để các y, bác sĩ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu về SLTS&SLSS, đào tạo nâng cao kỹ thuật siêu âm, lấy máu gót chân trẻ sơ sinh; vận chuyển mẫu máu cho các cơ sở y tế...

Chi cục cũng phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cung cấp kiến thức cho người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai thông qua nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Cụ thể như, tổ chức nói chuyện chuyên đề, lồng ghép trong sinh hoạt câu lạc bộ, hội, nhóm; truyền thông trên hệ thống phát thanh, truyền hình từ tỉnh đến xã về lợi ích của việc SLTS&SLSS...

6 tháng đầu năm 2020, Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các buổi truyền thông về SLTT&SLSS thu hút gần 5.000 người tham gia.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh Điện Biên cho biết: SLTS&SLSS là hai quy trình tách biệt. SLTS được thực hiện bằng các xét nghiệm máu hoặc lấy bệnh phẩm từ thai nhi và siêu âm cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, 3 tháng giữa thai kỳ giúp phát hiện sớm các loại bệnh: Down, rối loạn di truyền, dị tật ống thần kinh… SLSS là biện pháp dự phòng hiện đại được tiến hành trong vòng 24 - 72 giờ sau khi trẻ được sinh ra. Thời điểm này, trẻ sẽ được nhân viên y tế lấy máu gót chân để phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh như thiếu men G6PD (bệnh gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động); suy giáp trạng bẩm sinh (bệnh rối loạn hoặc thiếu hụt tổng hợp hormone tuyến giáp, chậm phát triển trí tuệ)…

Cả 2 biện pháp sàng lọc trên đều rất cần thiết đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Nếu bệnh được phát hiện kịp thời điều trị sớm ngay từ giai đoạn bào thai và sau khi sinh sẽ giúp trẻ phục hồi như bình thường, tránh những hậu quả xấu trong quá trình phát triển thể chất, trí tuệ.

Giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội

Chị L.T.Q (ở bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ) từ khi biết mình mang thai đã thường xuyên đi kiểm tra tại trạm y tế xã và khám SLTS tại bệnh viện huyện.

Chị Q tâm sự: 'Hiện nay, phụ nữ có thai được cả gia đình quan tâm, chăm sóc, được đến cơ sở y tế khám SLTS, kiểm tra thai nhi định kỳ... Tôi đang mang thai tháng thứ 4 và đã được cộng tác viên dân số tư vấn SLTS, xét nghiệm máu để chẩn đoán các dấu hiệu bất thường của thai nhi'.

Theo chị Q, SLTS giúp bà mẹ mang thai biết được em bé có phát triển hoặc bị ảnh hưởng gì hay không; đồng thời sàng lọc các bệnh lý của em bé và các vấn đề của việc mang thai, việc này rất quan trọng.

Ðể nâng cao chất lượng giống nòi, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, yêu cầu cần phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân để nâng cao chất lượng dân số một cách toàn diện. Nghị quyết cũng xác định mục tiêu đến năm 2030 có 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất...

Ðể đạt mục tiêu đó, ngoài sự nỗ lực của các ngành chức năng, đặc biệt là ngành DS-KHHGÐ, người dân, nhất là các thai phụ cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia SLTS&SLSS để những đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh, không bệnh tật; từ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm, Phòng DS - KHHGÐ phối hợp với Trung tâm y tế 10 huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị y tế khám SLTS 2.330 ca (miễn phí 1.680 ca) phát hiện 3 ca dị tật bẩm sinh; khám SLSS 1.999 ca (miễn phí 1.384 ca) phát hiện 260 ca thiếu men G6DP.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!