Bệnh dại được gây ra bởi một loại vi-rút lây truyền từ nước dãi của động vật máu nóng như chó, mèo sang người thông qua các vết cắn, cào, trầy xước. Khi bộc phát, bệnh dại có tỷ lệ tử vong là 100%.
Theo thống kê tại một số bệnh viện lớn trong cả nước, kì nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua là thời điểm lượng người đến tiêm ngừa dại nhiều nhất trong năm. Riêng BV Nhiệt đới TPHCM trong đợt nghỉ Tết có hơn nghìn người đến tiêm phòng, nhiều nhất là trẻ em. Đa số người bị chó, mèo tấn công khi đi chúc Tết, cho chó, mèo ăn hoặc lúc chơi đùa cùng chúng.
Mặc dù có tỷ lệ tử vong cao nhưng bệnh dại là căn bệnh có thể dự phòng được. Bên cạnh đó, những người đang nuôi chó, mèo cần có những biện pháp để phòng tránh bệnh dại.
Chó mèo là thú cưng trong nhiều gia đình
Phòng bệnh dại
Để phòng bệnh dại hiệu quả, mọi người và mọi gia đình phải chấp hành, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của cơ quan thú y khi nuôi chó, mèo ở trong nhà.
- Phải đăng ký số lượng chó nuôi với Trưởng thôn, bản hoặc Tổ trưởng dân phố. Chó nuôi không được thả chạy rong, ra đường phải dùng xích, có người dẫn và dùng dụng cụ bịt mõm chó.
- Cần tiêm phòng dại định kỳ cho chó, mèo vào tháng 3, tháng 4 và tháng 9, tháng 10 hàng năm; tiêm phòng cho chó từ 3 tháng tuổi trở lên và sau đó tiêm nhắc lại, mỗi năm tiêm phòng một lần hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ và cán bộ thú y.
- Khi phát hiện chó, mèo có những biểu hiện bất thường như bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt cao, hung dữ khác thường thì phải báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã. Khi con vật lên cơn dại phải được thiêu hủy theo quy định.
Chó mèo cưng cũng có thể là mối đe dọa với căn bệnh dại
- Các hộ gia đình nên hạn chế nuôi chó hoặc chỉ nên nuôi 1 - 2 con để giữ nhà. Trong trường hợp nuôi nhiều (trên 5 con không kể chó mới sinh) phải có tờ trình về điều kiện nuôi và được cơ quan thú y địa phương xác nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.
Xử trí khi bị chó, mèo cắn, cào
Đối với người bị chó, mèo cắn, cào... các vết thương sẽ bầm tím, rách da hoặc chảy máu. Việc đầu tiên cần rửa ngay thật kỹ vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước mạnh liên tục trong vòng 15 phút rồi tiến hành sát trùng vết thương bằng dung dịch cồn 70% để nhằm làm giảm tối thiểu lượng vi-rút xâm nhập nơi vết cắn.
Sau đó dùng miếng vải sạch phủ lên vết thương và băng hờ lại, tránh băng kín vết thương. Không được tùy tiện sử dụng các bài thuốc dân gian để điều trị. Sau khi sơ cứu, cần đưa người bị chó, mèo cắn đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và chỉ định tiêm phòng dại thích hợp.
Tiêm phòng dại cho chó mèo và tiêm sau khi bị chó mèo cắn là rất quan trọng
- Trường hợp bị chó, mèo đã được tiêm phòng dại cắn: Nếu chó mèo cắn vào các vị trí nguy hiểm như vùng mặt, đầu, bộ phận sinh dục… thì cần được tiêm phòng ngay. Vì đây là những vị trí vi-rút dại dễ tấn công vào hệ thần kinh trung ương và gây tỷ lệ tử vong cao.
Nếu bị cắn ở vùng tay, chân thì cần theo dõi con vật trong 10 ngày, nếu nó bị chết thì cần tiêm phòng ngay. Nếu vật nuôi vẫn khỏe mạnh bình thường thì có thể không cần tiêm phòng dại.
- Trường hợp bị chó, mèo chưa được tiêm phòng cắn: Người bị cắn cần đi tiêm phòng dại ngay và kết hợp với việc quan sát con vật trong vòng 10 ngày. Nếu con vật không chết thì có thể ngừng tiêm phòng hoặc chuyển từ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm thành trước phơi nhiễm.
- Trường hợp không có khả năng quan sát con vật cắn: người bị cắn nên đi tiêm phòng ngay tại cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt và tuân thủ theo lời dặn của bác sĩ.
Ảnh minh họa: Internet
Thu Hoài
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!