Trong bài “Điều cần biết về nhiễm trùng sau sinh mổ (phần 1)“, chúng ta đã tìm hiểu về dấu hiệu và các trường hợp nhiễm trùng sau sinh mổ. Bài tiếp theo dưới đây sẽ cung cấp các cách phòng tránh và điều trị khi bị nhiễm trùng sau sinh mổ.
Nhiễm trùng vết mổ do vi khuẩn trên da xâm nhập và nhân lên bên trong. Triệu chứng khi bị nhiễm trùng là sưng, nóng, đỏ, đau và chảy mủ, đặc biệt là mủ có mùi hôi, màu xanh, vàng hoặc mủ trắng. Nhiễm trùng cũng gây ra những triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, đờ đẫn và chán ăn. Hầu hết nhiễm trùng cần phải mở vết mổ, dẫn lưu dịch mủ và mô chết, kèm theo đó là uống hoặc tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch.
Bạn phòng tránh nhiễm trùng sau sinh mổ như thế nào?
Bạn sẽ không thể khống chế được toàn bộ viêm nhiễm sẽ xảy đến. Thế nhưng, bạn có thể giảm thiểu khả năng bị nhiễm trùng và những biến chứng khác sau sinh mổ theo sự hướng dẫn của bác sĩ, chăm sóc và uống thuốc sau ca mổ hợp lý và tham vấn bác sĩ khi có bất kỳ thắc mắc nào để quá trình phục hồi tốt đẹp.
Duy trì cân nặng hợp lý
Bạn luôn cố gắng tập thể dục và theo chế độ ăn uống hợp lý để giảm cân trước khi mang thai, nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức béo phì.
Sử dụng thuốc điều trị sau sinh mổ
Bạn cần sử dụng phương pháp an toàn nhất khi đóng vết mổ sau sinh, ví dụ như sử dụng chỉ tự tiêu PGA (chỉ Polyglycolide). Nếu được kê đơn có kháng sinh, bạn hãy cố gắng theo sự điều trị đến cuối cùng, đừng bỏ bất kì liều thuốc nào trong ngày nhé!
Kiểm tra vết thương sau sinh mổ
Bạn luôn chú ý làm sạch các vết thương và thay băng gạc thường xuyên, không nên bôi kem dưỡng lên vết thương. Bạn cần hạn chế các tư thế làm gấp nếp da chỗ vết mổ hoặc chạm lên vùng mổ.
Nếu bạn cảm thấy cơ thể có dấu hiệu nóng lên, hãy luôn theo dõi nhiệt độ bằng nhiệt kế. Khi thân nhiệt lớn hơn 37,5 °C, bạn có thể bị sốt nên gọi bác sĩ hoặc y tá để giúp bạn.
Nếu được điều trị sớm, bạn sẽ dễ dàng phục hồi hơn sau nhiễm trùng. Tuy thế, sau khi sinh, nếu có bất kì điều gì không ổn xảy ra, bệnh viện sẽ yêu cầu bạn ở lại thêm thời gian lâu hơn để theo dõi, trường hợp bạn đã xuất viện và sau đó xảy ra nhiễm khuẩn sau mổ, bạn sẽ cần đến sự tư vấn về sử dụng thuốc và tiểu phẫu từ bác sĩ.
Chọn sinh theo ngả âm đạo
Bạn nên ưu tiên sinh theo ngả âm đạo vì ít có nguy cơ bị nhiễm khuẩn sau sinh và còn giúp bé chào đời khỏe hơn. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên môn, vì trong nhiều trường hợp, sinh ngả âm đạo rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Nhiễm trùng vết thương sau sinh mổ được điều trị như thế nào?
Trong bệnh viện, nhiễm trùng vết thương thường được điều trị với kháng sinh đường tĩnh mạch và chế độ chăm sóc đặc biệt cho những bệnh nhân có áp-xe. Bác sĩ sẽ mở vết mổ tại vùng da bị nhiễm trùng, dẫn lưu mủ, cẩn thận rửa sạch vết mổ để tránh tích tụ mủ, dùng gạc vô khuẩn đắp lên. Tất cả những vết thương nhiễm trùng sẽ được chăm sóc và theo dõi trong một thời gian để đảm bảo tiến triển tốt đẹp.
Khi thấy vết mổ có mủ, sưng, đau hoặc đỏ hơn và bắt đầu lan ra xung quanh, bạn nên tham khảo lời khuyên từ bác sĩ nhé!
Những phụ nữ sinh ngả âm đạo thường ít có nguy cơ bị nhiễm trùng sau sinh hơn, nhưng kèm theo đó luôn là những nguy cơ khác cho mẹ và bé trong lúc sinh. Bạn có thể nhờ sự trợ giúp của bác sĩ chuyên gia để tìm ra phương thức phù hợp nhất!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!