Điều trị hội chứng liệt nửa người tại nhà

Bài tập vận động - 05/13/2024

Mục tiêu của việc phục hồi chức năng liệt nửa người là giúp bệnh nhân tái hoà nhập với cuộc sống của gia đình và cộng đồng.

Câu hỏi:Thưa Bác sĩ, tôi là nam, năm nay 33 tuổi. Tôi bị ngã liệt nửa người bên phải đã đươc 17 tháng rồi, bây giờ vì công việc cho nên phải ở nhà. Tôi chỉ tập mỗi ngày 1 giờ tôi thấy tiến triển rất chậm, rất mong các bác sĩ cho lời khuyên, và nên tập luyện như thế nào? Cám ơn bác sĩ.

Trả lời: 

Chào bạn,

Trong thư, bạn không cho biết rõ nguyên nhân ngã gây liệt nửa người: do chấn thương hay do bệnh lý mạch máu (dị dạng mạch máu, xơ mỡ động mạch, tăng huyết áp...). Điều trị liệt nửa người, đầu tiên cần phải xử lý triệt để nguyên nhân, các tình trạng đe dọa tính mạng.

Hiện tại, tình trạng liệt của bạn ra sao: tay, chân bên liệt cử động được đến mức độ nào, những cơ quan hoặc bộ phận nào còn bị ảnh hưởng... Thông tin này rất cần để lên kế hoạch phục hồi chức năng.

Mục tiêu của phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người là giúp họ tái hoà nhập với cuộc sống của gia đình và cộng đồng. Muốn tái hoà nhập, bệnh nhân phải tự thực hiện được các loại vận động và chức năng tương ứng ở các vị thế, đặc biệt là vị thế đứng. Vì có nhiều động tác vận động bệnh nhân có thể làm được khi nằm hoặc ngồi, nhưng chưa chắc đã làm được khi đứng.

Điều trị hội chứng liệt nửa người tại nhà

Ảnh minh họa

Một số bài tập chính là tập đứng lên từ vị thế ngồi và tập vận động ở tư thế đứng bao gồm: các bài tập đứng thăng bằng; tập dồn trọng lượng lên chân liệt; tập đứng, dồn trọng lượng lần lượt lên hai chân; tập chuyển trọng lượng lần lượt sang hai chân; tập gấp, duỗi khớp háng và khớp gối bên liệt.

Không rõ hiện bạn đang tập phục hồi chức năng ra sao, nhưng cần có sự hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế để khi tự tập luyện tại nhà đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh các chấn thương trong quá trình tập luyện.

Bên cạnh đó, bạn không nên quá nôn nóng, sốt ruột khi tiến triển phục hồi chậm. Để có thêm các thông tin về dụng cụ và hướng dẫn kỹ thuật, bạn có thể liên hệ với bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng tỉnh, thành phố nơi bạn đang sinh sống.

Chúc bạn mau hồi phục!

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!