1. Hiểu biết cơ bản về ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng (Cancer du Cavum) là thuật ngữ được sử dụng từ lâu và đã được phổ thông hóa, mô tả khối u hiện diện vòm họng. Các khối u hiện diện ở vòm họng hầu hết xuất phát từ lớp tế bào biểu mô phủ có độ biệt hóa khác nhau và có sự đáp ứng khác nhau trong điều trị.
Ở người lớn, ung thư biểu mô phủ chiếm hầu hết các trường hợp, ở trẻ em chiếm khoảng từ 20 – 35 % phần còn lại là Saccom cơ vân và u limpho.
Trong điều trị cần phân biệt rõ từng loại ung thư: ung thư tế bào biểu mô, Sarcom, lympho… Vì vậy hiện nay, thuật ngữ ung thư biểu mô mũi họng (Nasopharyngeal carcinoma) được sử dụng trong điều trị và chẩn đoán bệnh.
Thuật ngữ ung thư biểu mô mũi họng được sử dụng trong chuyên môn, điều trị, phân loại bệnh tật quốc tế (ICD-10), chỉ những khối u phát triển từ biểu mô vùng mũi họng. Thuật ngữ ung thư vòm họng được dùng trong đơn thuốc, công bố chẩn đoán cho bệnh nhân (vì tính phổ thông dễ hiểu) và những tài liệu có tính chất phổ cập giới thiệu, chỉ khối u hiện diện ở vùng vòm họng.
Có nhiều biện pháp điều trị ung thư vòm họng: Tia xạ, truyền hóa chất, phẫu thuật, điều trị miễn dịch, quang động học… Trong đó tia xạ và truyền hóa chất là 2 biện pháp thường được kết hợp nhằm tăng kết quả điều trị, biện pháp phẫu thuật ít được sử dụng.
Phẫu thuật ung thư vòm họng thường gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Internet)
2. Biện pháp phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật rất ít được sử dụng trong điều trị ung thư vòm họng vì khối u nằm sâu phẫu thuật khó khăn, dễ gây nhiều tai biến và khó kiểm soát bệnh. Các phẫu thuật có thể còn thực hiện ở việc:
+ Vét hạch cổ còn sót lại sau khi tia xạ
+ Bóc tách lấy u xơ trong vòm họng
+ Thắt động mạch cầm máu trong trường hợp chảy máu vòm họng không cầm
3. Biện pháp thắt nút mạch máu nuôi dưỡng khối u
Khi mạch máu nuôi khối u bị thắt, khối u sẽ bị chặn đứng nguồn cung cấp dưỡng chất và khí oxy để duy trì sự sống của nó, khối u sẽ hoại tử. Đây là kỹ thuật tương đương như phẫu thuật, hiệu quả cao. Nhưng ít khi có điều kiện thực hiện được vì khối ung thư thường xâm lấn lan rộng có nhiều mạch máu nuôi dưỡng hoặc không tìm thấy nguồn mạch chính nuôi dưỡng khối u.
>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh ung thư vòm họng
BS. Đỗ Hữu Thảnh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!