Bún phở, bánh bao, măng tươi tẩy trắng, hải sản tẩy bằng urea hay javel... là những thực phẩm dễ được làm trắng bằng hóa chất ẩn chứa những mối nguy hại khôn lường.
Rất nhiều người lầm tưởng, thực phẩm trắng mới sạch nên khi mua thực phẩm đều dựa vào màu sắc bên ngoài để lựa chọn. Thế nhưng ít ai ngờ rằng, vẻ tươi ngon trắng sáng đó đôi khi lại được tạo ra bởi những loại hóa chất vô cùng độc hại.
Điển hình những loại thực phẩm trong nhóm trắng sáng có thể được mông má bằng hóa chất như các loại bún, phở, bánh canh, hủ tiếu, bánh bao, bắp chuối bào (hoa chuối), củ kiệu, ngó sen, lá sách bò, lòng heo, tai heo, nấm tuyết, chân gà rút xương, da heo, măng ngâm chua...
Trước đó tại TP. HCM, một đợt khảo sát từng ghi nhận 80% các mẫu bún, phở, bánh canh, bánh ướt, bánh hỏi, thậm chí là cơm trắng và bánh bao... có sử dụng chất làm trắng huỳnh quang (tinopal).
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế) cho biết, tinopal là chất tăng trắng quang học, không phải chất làm trắng quang học. Tinopal được sử dụng trong ngành công nghiệp dệt vải, cấm dùng cho thực phẩm. Khi bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn, bánh ướt có chứa tinopal sẽ dội ngược ánh sáng, trở nên trắng muốt.
Với nhóm thực phẩm nội tạng, để đẹp mắt và không còn mùi, nhiều tiểu thương đã dùng chất hoá học tẩy trắng lòng, mề, dạ dày... để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Thậm chí, với những bịch hóa chất tẩy trắng không bao bì, nhãn mác rõ ràng được bán tràn lan trên thị trường với giá chỉ từ 40.000 đồng – 120.000 đồng/kg, chủ buôn đã có thể “hô biến” hàng chục thùng nội tạng đã bốc mùi trở nên trắng nõn.
Trong khi đó, giới kinh doanh hải sản có rất nhiều thủ thuật để qua mặt người tiêu dùng. Tráng đạm là công nghệ đơn giản nhất. Với lượng hàng lớn được đánh bắt lâu ngày trên biển, sau khi đưa về bờ toàn bộ cá sẽ được nhúng vào thùng nước đá có pha đạm urea, sau đó vớt ra sạp bán cho khách hàng. Những loại cá vận chuyển đến các tỉnh xa, đầu nậu phải rắc thêm urea vào trong đá cây, nhờ đó mà 4-5 ngày sau thậm chí cả tuần cá vẫn tươi.
Ngoài phương pháp dùng urea, dùng thuốc tẩy javel để ngâm hải sản còn dễ dàng hơn. Đống mực, bạch tuộc lấy từ ghe lên đen thui một màu, nhưng chỉ trong vòng 30 phút là trở nên trắng bóc.
Với lượng chất tẩy còn sót lại trong hải sản, khi chuyển hóa vào cơ thể người sẽ phá hủy tế bào, rối loạn gen, ung thư... Còn urea tích luỹ ở thận dưới dạng tinh thể gây sạn thận, hoặc đi vào chu trình thải đạm amoni của thận, gây độc cho tế bào, viêm cầu thận vô cùng nguy hiểm.
Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, hiện nay, để tẩy trắng một số thành phẩm, các hộ sản xuất vẫn thường dùng đến chất tẩy trắng sunphit natri (Na2SO3) hay tinopal, gây ảnh hưởng xấu tới đường ruột, có thể gây viêm loét dạ dày, đường ruột, suy gan, suy thận, ung thư. Ngoài ra, những chất gây độc này, có khả năng gây hại niêm mạc mắt, niêm mạc miệng, gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.
Theo VietQ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!