Dùng thuốc làm giảm acid dạ dày cùng thuốc trị ung thư: Tăng nguy cơ tử vong

Cần biết - 04/26/2024

Pazopanib (thuộc nhóm ức chế tyrosin kinase -TKI) là một thuốc được FDA cấp phép trong điều trị sarcoma mô mềm (một loại ung thư bắt đầu ở các mô mềm của cơ thể.).

Một phân tích hồi cứu dữ liệu từ hai nghiên cứu pha 2 và pha 3 về pazopanib được tiến hành bởi Olivier Mir và cộng sự cho thấy, những bệnh nhân dùng thuốc làm giảm acid dạ dày để điều trị các bệnh như loét dạ dày và trào ngược acid dạ dày - thự quản, cùng lúc với pazopanib có nguy cơ tử vong cao hơn 81% và nguy cơ tiến triển bệnh cao hơn 49% so với những người chỉ dùng pazopanib.

Tác giả cho rằng phần lớn các bác sĩ chưa thực sự lưu tâm tới tương tác này. Thực tế, bệnh nhân thường được dùng các thuốc làm giảm acid dạ dày do đau bụng, dù có thể không thật sự liên quan đến việc tiết acid dạ dày, và các thuốc này có thể mua ở hiệu thuốc mà không cần kê đơn.

Vì vậy, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ tất cả các thuốc dùng cùng khi điều trị với thuốc ung thư đường uống nhằm mục đích phát hiện và tránh tương tác này.

Ngoài ra, theo tác giả bài báo, kết quả này nên được áp dụng cả trên những bệnh nhân mắc ung thư biểu bì tế bào thận đang điều trị bằng pazopanib và với các thuốc TKI khác có độ tan phụ thuộc pH dịch vị. Trên thực tế, tờ hướng dẫn sử dụng của một số TKI khác (dasatinib, erlotinib và lapatinib) đã đề cập tới loại tương tác này, tuy nhiên thông tin hướng dẫn khi sử dụng đồng thời hai loại thuốc này còn hạn chế.

Để phòng tránh hậu quả của tương tác này khi sử dụng đồng thời thuốc ức chế tiết acid và các thuốc thuộc nhóm TKI, tác giả đưa ra một số khuyến cáo như tăng liều TKI hoặc nên uống TKI gần bữa ăn và kiểm tra nồng độ thuốc trong máu.

Nếu nồng độ thuốc trong máu chưa đạt được mức tối ưu, nên chia đôi liều và dùng một liều mỗi 12 giờ để thuốc được hấp thu tốt hơn. Tuy nhiên, FDA không phê duyệt việc thay đổi liều thuốc khi không có hướng dẫn cụ thể.

Ngoài ra, có ý kiến chuyên gia cho rằng việc sử dụng thuốc gần bữa ăn không thực sự đem lại hiệu quả lâu dài trên thực tế lâm sàng. Thay vào đó, đây là một vấn đề trong cá thể hóa điều trị.

Quyết định dùng thuốc trên từng bệnh nhân, nhất là với các thuốc điều trị ung thư đường uống do nồng độ thuốc trong máu dao động rất lớn giữa các cá thể, cần phải luôn cân nhắc tới đặc tính dược lý, tương tác thuốc và thăng bằng lợi ích - nguy cơ của người bệnh.

ThS. Dương Khánh Linh (Theo Medscape)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!