Với các trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự lành sau vài ngày. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể ảnh hưởng đến não và để lại một số biến chứng: viêm màng não do virut, viêm não. Việc phòng và điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ tránh khỏi những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân và triệu chứng
Bệnh tay-chân-miệng (TCM) là một bệnh gây ra bởi virut. Chủng virut thường gây bệnh TCM là coxsackievirus A16 và enterovirus 71. Coxsackievirus A16 là virut gây bệnh phổ biến nhất, bệnh gây ra bởi virut này thường nhẹ, tự khỏi và ít biến chứng. Enterovirus 71 là loại thường có liên quan đến những biến chứng nguy hiểm và tử vong, tuy nhiên, số ca do virut này gây ra không nhiều. Bệnh TCM rất dễ lây. Trẻ em thường nhiễm virut gây bệnh TCM khi tiếp xúc trực tiếp dịch mũi, miệng, nước bọt, dịch từ các bọng nước và phân của người nhiễm bệnh hoặc từ những đồ vật nhiễm loại virut này như đồ chơi, mặt bàn, nắm cửa.
Triệu chứng bao gồm: loét, đau họng, phát ban, nổi bọng nước trên tay, bàn chân hoặc mông. Bất cứ người nào cũng có khả năng mắc bệnh, nhưng trẻ em dưới 10 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn (phổ biến nhất ở trẻ dưới 5 tuổi). Tại Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm nhưng có xu hướng bùng phát thành dịch vào mùa thu - đông.
Khi phát bệnh, sốt là triệu chứng thường gặp đầu tiên và chỉ sốt trong 1 - 2 ngày đầu kèm theo đau họng (nhưng chưa có loét), kém ăn và mệt mỏi. Từ 1 - 2 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, trẻ có những vết chấm đỏ trong miệng, dần phát triển thành bọng nước và vỡ ra thành vết loét. Trên da trẻ xuất hiện sẩn da với những chấm đỏ, phẳng hoặc gồ lên, nhiều khi phát triển thành bọng nước, thường nổi trên lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, lan ra đầu gối, khuỷu tay hoặc mông.
Biến chứng phổ biến nhất của bệnh TCM là mất nước do trẻ bị đau miệng, đau họng, khó nuốt và không chịu ăn uống. Bệnh có thể tự lành sau vài ngày sốt và các triệu chứng tương đối nhẹ. Một số ít trường hợp do Enterovirus gây ra có thể ảnh hưởng đến não và để lại một số biến chứng: viêm màng não do virut, viêm não.
Các biểu hiện và biện pháp phòng bệnh tay chân miệng.
Dùng thuốc như thế nào?
Bệnh TCM có thể tự điều trị tại nhà. Hiện nay, không có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin dự phòng bệnh. Các triệu chứng có thể thuyên giảm khi dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau: paracetamol (efferalgan, panadol...) liều từ 10 - 15mg/kg khi trẻ sốt trên 38,50C, cách 4 - 6 giờ; ibuprofen liều từ 5 - 10mg/kg, cách 6 - 8 giờ và không khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 7kg.
Lưu ý:Không sử dụng aspirin để giảm đau, hạ sốt vì thuốc có thể gây hội chứng Reye ở trẻ (một bệnh lý hiếm gặp nhưng nguy hiểm, gồm 2 nhóm triệu chứng: hội chứng não cấp và thoái hóa mỡ ở não, thận, tim, nhất là gan).
Ngoài ra, cần cho trẻ súc miệng sạch sẽ hoặc sử dụng các dạng thuốc xịt họng làm giảm đau. Cần dùng theo đúng hướng dẫn sử dụng đi kèm với thuốc.
Đối với các vết loét ngoài da, cần bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm như: thuốc đỏ, dung dịch povidine, xanh methylen, thuốc tím...
Uống đủ nước đóng vai trò quan trọng khi mắc bệnh TCM. Nếu trẻ không thể uống đủ nước thì có thể tiêm truyền các dung dịch như: NaCl 0,9%, Ringer lactat...
Cho trẻ ăn chậm, ăn ít lại và nhiều bữa hơn, ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ nuốt.
Bên cạnh việc dùng thuốc để làm giảm triệu chứng, nâng cao sức đề kháng cho trẻ đóng một vai trò quan trọng giúp đẩy lùi bệnh TCM: cho trẻ ăn đầy đủ các loại thực phẩm thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh mỗi ngày; khuyến khích trẻ vận động, tập thể dục, chạy bộ...
Cần chú ý: Kháng sinh chỉ dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn chứ không có tác dụng với các bệnh do virut gây ra như TCM. Chỉ dùng kháng sinh khi đề phòng các tổn thương có bội nhiễm do vi khuẩn và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không được tự ý sử dụng kháng sinh ở cộng đồng.
Làm thế nào để phòng bệnh?
Trẻ mắc bệnh có khả năng lây truyền bệnh cao nhất trong 7 ngày đầu tiên. Nhưng virut có thể tồn tại trong cơ thể nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi các triệu chứng biến mất. Cách tốt nhất để phòng bệnh là vệ sinh và rửa tay cho trẻ thật kĩ. Người lớn cũng cần rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, thay tã, lau nước mũi cho trẻ và trước khi ăn uống.
Lau chùi những bề mặt trẻ thường xuyên tiếp xúc bằng xà phòng và nước, sau đó sát khuẩn bằng dung dịch chlorinepha loãng. Lau chùi núm vú giả (cho trẻ em ngậm) thường xuyên.
Tránh tiếp xúc gần như ôm hôn, dùng chung muỗng nĩa, chén với người bệnh.
Giáo dục trẻ vệ sinh cá nhân, không để trẻ ngậm tay hoặc các đồ vật vào miệng.
Dạy trẻ che miệng, mũi khi ho hoặc hắt xì.
Không cho trẻ đi học hoặc đến các nơi vui chơi (công viên, nhà banh, hồ bơi...) cho đến khi trẻ hết sốt và các vết loét trong miệng đã lành (thường sau 7 - 10 ngày sau khi khởi bệnh).
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!