Ngày 20-5, theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 13-5 đến 19-5), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 14 trường hợp mắc tay chân miệng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 260 trường hợp mắc tay chân miệng.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, thời tiết đã vào mùa hè là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng lây lan rất nhanh, có thể có các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc-xin dự phòng, do vậy, cha mẹ cần sớm phát hiện bệnh ở trẻ, theo dõi các dấu hiệu chuyển bệnh để nhanh chóng đưa trẻ đến viện kịp thời, đồng thời thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh để phòng bệnh cũng như hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.
Các triệu chứng bệnh tay chân miệng
Các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ rất dễ nhận biết, bao gồm:
- Sốt: Sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
- Phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày: Thường là những đốm màu đỏ khổng nổi hoặc nổi lên, có khi có rộp da. Ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện trên mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục.
- Một số trẻ khi bị bệnh có thể bị đau miệng nên bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc...
Khi bệnh chuyển sang thể nặng, trẻ có thể có các biểu hiện sau:
- Quấy khóc dai dẳng kéo dài, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ (cứ 15 – 20 phút lại tỉnh giấc, quấy khóc). Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
- Sốt cao không hạ - trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Có thể tiêm vắc-xin để phòng bệnh tay chân miệng không?
Cho đến nay thế giới chưa có vắc-xin để phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Do bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, dịch của các nốt bọng nước của người bệnh nên cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh.
Các biện pháp phòng ngừa tay chân miệng
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước;
- Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường;
- Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng…) với trẻ em bị bệnh;
- Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn;
- Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo;
- Che miệng và mũi khi hắt hơi và ho;
- Xử lý khăn giấy và tã lót đã dùng bằng cách bỏ vào thùng rác và thải bỏ rác đúng cách;
- Luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!