Nếu được lựa chọn chắc chắn sẽ chẳng ai muốn mình sinh ra và sống trong một gia đình tan vỡ. Điều mà mỗi người cần là có một mái ấm đong đầy yêu thương cùng với bố mẹ và các anh chị em. Thế nhưng, tỉ lệ ly hôn trong xã hội hiện nay dường như đang ngày càng tăng, và kéo theo hệ quả đầu tiên, rõ ràng nhất là những đứa con từ việc đang sở hữu một gia đình hạnh phúc bỗng chỗng tan vỡ trong nháy mắt, lũ trẻ sẽ phải chịu tổn thương cho dù chúng không hề có tội tình gì.
Nhiều người nghĩ rằng ly hôn chỉ là chuyện riêng giữa vợ và chồng. Họ cũng nghĩ đơn giản rằng những đứa trẻ mới chỉ 3 - 4 tuổi hoặc lớn hơn một chút, thậm chí là 10 tuổi sẽ không hiểu gì về chuyện của người lớn. Họ cho rằng chỉ là trẻ con nên chúng sẽ quên cái gia đình tan vỡ này nhanh như cách chúng thích nghi với hoàn cảnh mới. Nhưng rồi, không ít các cặp ly hôn phải đau đớn nhìn những đứa con của họ lớn lên với những vết thương hằn sâu trong tâm trí. Nhiều trường hợp trẻ bị sang chấn tâm lý, rối loạn hành vi dẫn đến không có khả năng hòa nhập xã hội, hoặc trở nên hung hăng, phá cách, học hành giảm sút, nghiện ma túy…
Khi còn vui vẻ, hạnh phúc thì họ yêu chiều biết bao các 'cục cưng' của họ. Nhưng khi 'cơm không lành, canh chẳng ngọt', nhiều người chẳng thèm đoái hoài đến những đứa trẻ vô tội kia nữa. Họ thoải mái cãi vã, nói xấu nhau, kể cả ẩu đả ngay trước mặt các con của mình. Những đứa trẻ không thể hiểu vì sao cha thì muốn nó quên mẹ đi, còn mẹ thì muốn nó không còn nhớ nhung gì đến người cha của nó nữa. Đương nhiên trẻ không thể hiểu nổi vì sao từ yêu thương lại nhanh chóng trở thành hận thù như vậy. Những đứa trẻ chỉ biết yêu thương và cần được yêu thương. Vì vậy, ly hôn không chỉ làm cho những đứa trẻ bị 'chao đảo' mà hơn thế còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
Khi cha mẹ ly hôn, con cái chỉ có thể sống với một trong hai người cho nên cảm giác mất mát, thiếu hụt là không thể tránh khỏi. Từ việc được sinh ra, sống và lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, bỗng nhiên chỉ còn một người chăm sóc sẽ khiến trẻ rất bỡ ngỡ và hụt hẫng. Thậm chí, trẻ còn tự nghĩ rằng mình đã làm gì đó sai trái hoặc có lỗi nên cha mẹ mới bỏ rơi. Mà thực ra trẻ con nào có tội tình gì. Chẳng phải không gây tội nhưng lại phải chịu tổn thương là điều rất vô lý hay sao?
Có không ít những quyển sách hay ấn phẩm an ủi những đứa trẻ có gia đình tan vỡ. Chẳng hạn như truyện tranh 'Standing on my own two feet'. Câu chuyện kể về một cậu bé có cha mẹ chia tay. Cậu bé thấy mình có hai ngôi nhà, lúc ở nhà bố, lúc ở nhà mẹ, thỉnh thoảng ở nhà người này lại nhớ người kia. Cậu nhìn trăng sao trên trời và cậu biết cha mẹ cậu cãi nhau không phải lỗi của cậu, cha mẹ cậu sống hai nơi không phải lỗi của cậu và cậu cũng không thể làm gì. Điều quan trọng nhất, cậu biết rằng cha mẹ vẫn luôn yêu thương mình. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng hiểu chuyện và mạnh mẽ như cậu bé của chúng ta. Kể cả cậu bé, chắc chắn cũng sẽ không tránh khỏi những giây phút cảm thấy tổn thương và bị bỏ rơi.
Cha mẹ ly hôn, gia đình tan vỡ không phải là một chuyện dễ dàng gì để vượt qua, đặc biệt với con trẻ. Những đứa trẻ có thể cảm thấy vô cùng khó khăn để có thể đối mặt và chấp nhận sự kết thúc trong quan hệ giữa bố mẹ mình. Vì vậy các ông bố bà mẹ có thể tránh gây ra những tổn thương cho trẻ bằng sự điều chỉnh hành vi của mình. Hãy giúp con chấp nhận thực tế, làm quen với hoàn cảnh mới và quan trọng hơn cả là sự quan tâm và tình yêu thương mà cha mẹ ly hôn dành cho con để dìu dắt con vượt qua 'sóng gió' của chính gia đình mình.
Trẻ con không có tội, đừng bắt chúng phải chịu đựng tổn thương do gia đình tan vỡ gây ra nếu bạn không muốn chứng kiến con mình lớn lên cùng với những nỗi đau in hằn trong tim.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!