Gia Lai: Tăng cường xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, nỗ lực chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi

Thời sự - 05/06/2024

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, qua đó góp phần phòng, chống dịch bệnh, cải thiện môi trường sống của người dân.

​Từ trước tới nay, tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các dịch, bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, lỵ, thương hàn, tay - chân - miệng, giun sán vẫn còn lưu hành và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch tại nhiều vùng trong cả nước. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch, sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, phóng uế bừa bãi, thực hành vệ sinh cá nhân chưa tốt.

Gia Lai: Tăng cường xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, nỗ lực chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi

Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Ảnh: K.N.B

Đơn cử, xã Ia Ka (huyện Chư Pah) có 2 thôn và 7 làng với trên 1.700 hộ. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 50% số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh; nhiều hộ không xây dựng nhà tiêu, còn thói quen phóng uế bừa bãi.

Bà Rơ Châm H'Ngoan, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới, toàn xã có 102 hộ dân được hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh, mỗi hộ 50 USD (tương đương 1,1 triệu đồng), qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn.

Nhà anh Siu Djiuh (cùng làng) thì tận dụng tôn có sẵn, thêm công lao động để thực hiện nên không phải bù thêm chi phí. 'Cán bộ xã đã tuyên truyền, chỉ rõ tác hại, ảnh hưởng đối với sức khỏe và môi trường do không có nhà tiêu hợp vệ sinh. Mình hiểu ra vấn đề nên quyết định xây ngay', anh Djiuh chia sẻ.

Trong khi đó, tại làng Mrông Ngó 4 (xã Ia Ka) cũng chỉ có khoảng 30% số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh. Trưởng thôn Ksor Vek cho hay: 'Ngoài 13 hộ được hỗ trợ, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh để góp phần phòng, chống dịch bệnh'.

Cũng được hỗ trợ từ Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) có 40 hộ được hỗ trợ kinh phí xây nhà tiêu hợp vệ sinh.

Gia Lai: Tăng cường xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, nỗ lực chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi

Nhiều hộ dân tại tỉnh đã xây dựng công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh. Ảnh N.Y

Theo bà Đoàn Thị Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dom, cùng với sự hỗ trợ của chương trình, UBND xã đã trích thêm kinh phí từ nguồn vệ sinh môi trường, Công ty TNHH một thành viên Cao su 72 (Binh đoàn 15) hỗ trợ thêm 34 triệu đồng để triển khai xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 67 hộ nghèo và cận nghèo. Kinh phí xây dựng mỗi nhà tiêu trung bình là 2 triệu đồng.

Ông Rơ Mah Djăt (làng Mook Trang) phấn khởi cho biết: 'Gia đình tôi là hộ cận nghèo, nhà mới xây xong nhưng không có công trình phụ. Bây giờ được hỗ trợ làm nhà tiêu, tôi mừng lắm'.

Xã Ia Dom có 7 thôn, làng với trên 2.000 hộ, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 45%. Nhiều người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thật sự quan tâm đến việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Do đó, theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Do, thời gian tới, công tác tuyên truyền sẽ được tăng cường nhằm giúp người dân thay đổi thói quen, tiến tới xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phòng, chống dịch bệnh.

Hay như tại làng Hway, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ - nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để chấm dứt tình trạng người dân phóng uế bừa bãi ra môi trường, sau khi thống kê lại số hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, các ban ngành đoàn thể của xã đã cùng bàn bạc và góp tiền để hỗ trợ các hộ mua vật liệu xây dựng các nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhờ đó đã góp phần cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người dân.

Ngày 31/5/2016, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đã ban hành Hướng dẫn thẩm định và công nhận cộng đồng đạt danh hiệu 'Cộng đồng không phóng uế bừa bãi'.

Mục đích của Hướng dẫn nhằm triển khai, nhân rộng quy trình thẩm định và công nhận cộng đồng không phóng uế bừa bãi trên phạm vi cả nước một cách thống nhất, hướng tới việc thay đổi nhận thức, hành vi vệ sinh của người dân từ việc xóa bỏ hoàn toàn phóng uế bừa bãi đến việc quản lý được phân người trong cộng đồng; tăng tỷ lệ hộ gia đình xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!