Gia tăng trầm cảm ở tuổi vị thành niên

Thời sự - 11/24/2024

Một học sinh 14 tuổi ở Hà Nội đã tự tử vì cho rằng mình không nói chuyện riêng trong lớp, nhưng bị cô giáo phê bình, yêu cầu viết bản kiểm điểm; một học sinh ngoan, học giỏi mắc trầm cảm do căng thẳng trong học tập, không đạt được kỳ vọng mà gia đình mong muốn…

Nhiều gia đình cha mẹ bận bịu mưu sinh, ít có thời gian chăm sóc, tương tác với con, lại thiếu sự phối hợp với cô giáo và nhà trường, khi con có thay đổi bất thường không phát hiện ra. Đến khi con mắc trầm cảm mới biết thì đã muộn.

Tự tử vì phải viết bản kiểm điểm

Tại Hội thảo 'Rối loạn tâm thần tuổi học đường' do Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức vào chiều 24/11, TS Nguyễn Thị Minh Loan, Trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên chia sẻ câu chuyện đáng tiếc của em gái 14 tuổi ở Hà Nội. Cách đây hơn 1 tháng, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận trường hợp bé gái 14 tuổi đến viện trong tình trạng phải thở oxy.

Theo người nhà kể lại, em bị cô giáo phê bình nói chuyện và làm việc riêng trong giờ học, yêu cầu viết bản kiểm điểm. Em gái nói rằng mình không làm điều này. Trước đó, hoàn cảnh gia đình em đã có một chút bất ổn âm ỉ. Về nhà, khi gia đình yêu cầu viết bản kiểm điểm, em đã thắt cổ tự tử. 'Cháu được đưa đến viện trong tình trạng phải thở oxy và đã quá muộn, chúng tôi không cứu được', BS Loan cho biết.

Gia tăng trầm cảm ở tuổi vị thành niên

Trẻ ở lứa tuổi vị thành niên rất cần sự quan tâm của cha mẹ, thầy cô giáo. (Ảnh minh họa).

Hay trường hợp bé gái 12 tuổi hiện đang điều trị tại Khoa Sức khỏe vị thành niên. Cô bé không hợp bố mẹ và chỗ dựa tinh thần chính là anh trai. Nhưng cách đây vài tháng, anh trai đã sang nước ngoài du học khiến em bị hụt hẫng, rơi vào trạng thái trầm cảm và từng có ý tưởng tự sát. Hiện khoa đã làm can thiệp tâm lý cho bé gái được khoảng 10 buổi và theo phản hồi của gia đình, tâm trạng của em cải thiện tốt hơn, điểm một số môn tốt hơn.

Theo BS Loan, căng thẳng trong học tập, không đáp ứng sự kỳ vọng của gia đình, hoặc kỳ vọng quá cao với bản thân, khối lượng bài vở nhiều, thiếu sự động viên, khích lệ của các thầy cô giáo, môi trường học đường bất ổn, gặp trở ngại trong các mối quan hệ tình cảm… là những yếu tố nguy cơ gây ra rối loạn tâm thần ở trẻ em và vị thành niên.

Trong một điều tra, phỏng vấn sâu từ một số em học sinh mới đây của Khoa Sức khỏe vị thành niên, có em gái 13 tuổi ở Hà Nội đã chia sẻ: 'Bố mẹ nghĩ là cứ so sánh mình với bạn khác xong thấy tấm gương ấy mình sẽ học tập theo nó thì tốt hơn, nhưng thực chất chỉ động đến lòng tự trọng, cảm giác tổn thương về tâm lý làm cho mình càng học dốt'.

Theo BS Loan, có trường hợp do đổ vỡ trong tình cảm đơn phương khiến các em buồn rầu, thất vọng, dễ gây trầm cảm và thậm chí còn khiến nhiều em có ý định tự sát. Hoặc các em trong giai đoạn dậy thì, chuyển cấp cũng bị sang chấn, có em đã từ chối đi học, hoặc học tập sút kém, lo âu khi chuyển cấp.

Bác sĩ Loan cho biết thêm, một số bố mẹ bận rộn mưu sinh không đủ thời gian quan tâm chăm sóc con. Một số em có thay đổi bất thường, bố mẹ biết thì muộn vì thiếu thông tin, thiếu tương tác. Năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương có tiến hành một cuộc khảo sát với 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên cho thấy, thấy tỷ lệ trầm cảm ở Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%; tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%; tỷ lệ trẻ stress tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%.

'Chúng tôi đánh giá, ở các khu đô thị lớn, tỷ lệ rối loạn tâm thần có vẻ có xu hướng cao hơn ở tỉnh, thành khác. Trẻ nữ tỷ lệ lo âu trầm cảm, sang chấn tâm lý cao hơn so với trẻ nam. Trẻ trong gia đình có mâu thuẫn, tỷ lệ rối loạn cao hơn so với các em trong gia đình có sự hòa hợp', BS Loan cho biết.

Làm thế nào để phát hiện con mắc trầm cảm

BS Loan cho hay, đa số các trường hợp đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bố mẹ đều cho rằng con mình bình thường hoặc không có vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng thực tế, khi làm việc với các em nhỏ, các bác sĩ mới nhận ra rất nhiều điều bất ổn như stress, sang chấn tâm lý từ chính môi trường học tập và cuộc sống gia đình của các em. Hầu hết các ca đến khám tại khoa đều ở trong tình trạng mắc các rối loạn tâm lý vừa và nặng, rất ít ca nhẹ.

Làm thế nào để cha mẹ phát hiện con mắc trầm cảm. Theo Ths.BS Lê Công Thiện, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, trước dậy thì trẻ có một số biểu hiện như: Khó chịu về mặt cơ thể, kích thích tâm lý vận động ảo giác phù hợp với cảm xúc.

Khi trẻ vị thành niên: Mất thích thú, tuyệt vọng, chậm chạp vận động; có hành vi chống đối xã hội, cảm giác bất an, cáu kỉnh, hung hăng và tự ái; nặng thì hoang tưởng và ảo giác. BS Thiện cũng cho biết, trầm cảm ở trẻ em thường khởi phát từ từ, xảy ra ở trẻ đã vài năm bị tăng động, rối loạn lo âu chia ly hoặc có triệu chứng trầm cảm ngắt quãng.

Bác sĩ Loan cũng cảnh báo, trầm cảm là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây tử vong ở trẻ vị thành niên. Nhưng có một thực tế đáng tiếc, rất ít trẻ phát hiện bệnh sớm, đến viện điều trị chủ yếu là ở giai đoạn vừa và nặng, nhưng chưa gia đình nào điều trị được 6-7 tháng, đa số bỏ dở. Hoặc nhiều trường hợp thấy đỡ là ngừng nên đã thất bại trong điều trị. Có trẻ bệnh tái phát và điều trị từ 2-3 lần và hy vọng khỏi bệnh là rất khó.

Theo BS Đỗ Minh Loan, hiện nay, một số trường đã có phòng tham vấn tâm lý học đường với các cán bộ tâm lý có khả năng hỗ trợ các vấn đề tâm lý không quá phức tạp, giúp các em học sinh được tiếp cận với các chương trình phòng ngừa sớm và ngay tại trường học. 62-71% học sinh mong muốn có chuyên gia tư vấn trong trường học. Các mạng lưới tâm lý học đường được kết nối với các cơ sở y tế.

Tuy nhiên, việc này chưa được triển khai đồng đều tại các trường học, sự gắn kết vẫn còn lỏng lẻo. Khoa Sức khỏe vị thành niên thời gian qua đã gửi công văn tới các trường thiết lập mạng lưới y tế - giáo dục để khi có vấn đề phức tạp về tâm lý của trẻ em, khoa sẵn sàng tiếp nhận điều trị.

BS Loan cũng cho biết, khoa cũng cố gắng cung cấp thông tin chuyên môn để các thầy cô nhận dạng một số vấn đề với học sinh của mình để tư vấn cho cha mẹ đưa con đi khám. Hoặc các thầy cô khi thấy các em có vấn đề trong môi trường học đường sẽ có cách thưởng phạt phù hợp hơn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!