Vào năm 1971, nghiên cứu trên nhóm nữ sinh đại học sống chung trong phòng ký túc xá Đại học Wellesley cho thấy một hiện tượng khó lòng lý giải nổi: Họ đều có cùng chu kì kinh nguyệt. Cụ thể: 135 nữ sinh đại học Mỹ sống trong ký túc xá và được ghi chép dữ liệu về nguyệt san của mình. Ký túc xá có 4 hành lang và khoảng 25 nữ sinh sống trong các phòng đôi, phòng đơn. Dựa trên việc phân tích số liệu về 8 chu kì kinh nguyệt trên mỗi nữ sinh, nghiên cứu cho thấy hiện tượng đồng bộ hóa có dấu hiệu tăng lên.
Nghiên cứu năm 1971 của Martha McClintock cho rằng những phụ nữ sống cùng nhau sẽ có chu kì kinh nguyệt giống nhau.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Martha McClintock, kết luận rằng, phụ nữ phát ra pheromones – hóa chất có tác dụng kích thích hành vi mang tính bản năng của đồng loại – và do đó, ảnh hưởng tới hormone của những phụ nữ khác. Điều này có nghĩa là, càng dành nhiều thời gian sống với nhau, họ càng có cơ hội tăng tương tác giữa pheromones của mình. Đó là hai loại pheromones có khả năng trì hoãn hoặc làm tăng nhanh sự rụng trứng ở những phụ nữ khác.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Đại học Oxford, toàn bộ ý tưởng trên - được biết tới với tên gọi 'Hiệu ứng McClintock' - là một lầm tưởng. Thực sự thì chu kì kinh nguyệt của phụ nữ không có sự đồng bộ hóa nếu họ sống chung với nhau.
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Oxford đã hợp tác với đơn vị sáng chế ứng dụng theo dõi chu kì kinh nguyệt Clue, nhằm phân tích dữ liệu trên 1.500 phụ nữ đã trả lời một cuộc điều tra. Họ xem xét 360 phụ nữ thường xuyên sử dụng ứng dụng, không dùng biện pháp tránh thai liên quan tới hormone và có mối quan hệ gần gũi với một phụ nữ khác mà họ thường xuyên gặp gỡ.
Nghiên cứu do Đại học Oxford tiến hành lại tiết lộ rằng không có bằng chứng chứng tỏ phụ nữ sống cùng nhau sẽ có chu kì kinh nguyệt giống nhau.
Sau 3 chu kì kinh nguyệt, các nhà nghiên cứu kết luận rằng, phần lớn người tham gia (273) thực sự có chu kì kinh nguyệt khác xa với người bạn gái thân thiết với họ. Chỉ có 79 cặp cho biết, họ trải nghiệm hiện tượng đồng nhất chu kì kinh nguyệt. Và không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa chu kì kinh nguyệt với việc sống cùng nhau.
Tuy nhiên, những phát hiện trên khó lòng được coi là mang tính đột phá. Trên thực tế, có khá ít nghiên cứu cùng đưa ra nhận định như nghiên cứu năm 1971 của Martha McClintock. Nhiều phân tích kể từ thời điểm đó cũng chỉ ra rằng, nghiên cứu mang tính đột phá của McClintock sai lầm về cơ bản. Thậm chí, đồng nghiệp cũ của bà, nhà tâm lý học Jeffrey Schank, hiện đang làm việc tại Đại học California, cũng tự nhận thấy sai lầm trong phương pháp nghiên cứu họ từng tiến hành.
Trong một nghiên cứu về pheromone chịu sự kiểm soát chặt chẽ trên loài gặm nhấm, Schank phá hiện thấy, ý tưởng hai pheromone tương tác và ảnh hưởng đến nhau không xác thực.
(Nguồn: DailyMail)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!