Giảm hiệu quả chữa bệnh do lạm dụng thuốc

Cần biết - 04/28/2024

Tôi hay bị tắc mũi, chảy nước mũi nên khó thở, ngủ không được... Đi khám bệnh thì bác sĩ chẩn đoán viêm mũi dị ứng, có kê đơn cho tôi dùng thuốc naphazolin về dùng.

Từ đó, mỗi lần bị nghẹt mũi tôi lại mua thuốc này về nhỏ. Nhưng gần đây, tôi dùng thuốc còn không thấy hiệu quả mà còn bị nghẹt mũi nhiều hơn. Có phải thuốc không còn hiệu quả chữa bệnh nữa? Tôi có thể dùng sang loại thuốc nào?

Nguyễn Ngân Hoa (Hà Nội)

Có thể giải thích một cách dễ hiểu về viêm mũi dị ứng như sau: Khi một người tiếp xúc với một số dị nguyên (bụi, phấn hoa, cây cỏ, nấm mốc, lông thú, chất tiết của động vật, khói thuốc lá, các loại mỹ phẩm và hóa chất...), hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sản xuất ra một kháng thể gọi là IgE. IgE sẽ khiến một số tế bào ở niêm mạc mũi phóng thích một số chất hóa học trung gian vào niêm mạc mũi gây ra dị ứng.

Đối với bệnh này, cho tới thời điểm hiện tại là chưa có thuốc nào điều trị dứt điểm. Biện pháp tốt nhất là phòng tránh dị nguyên. Nhưng việc phòng tránh thì cũng rất khó, bởi phải biết mình dị ứng với cái gì để tránh tiếp xúc. Hơn nữa, trong cuộc sống thường ngày cũng khó có thể tránh khỏi những tác nhân (khói bụi, khói thuốc...) nơi công cộng...

Biện pháp rộng rãi hiện nay là dùng thuốc làm giảm nhẹ các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tùy theo mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân phối hợp các loại thuốc này để đạt hiệu quả điều trị cao nhất và ít tác dụng phụ nhất.

Bạn dùng thuốc nhỏ mũi naphazolin là thuốc co mạch tại chỗ. Thuốc có tác dụng làm co các cơ thắt của các mao mạch, động mạch nhỏ, tĩnh mạch hang (làm co mạch) đẩy máu đi nơi khác làm cho hốc mũi rộng (mũi hết ngạt và dễ thở).

Thường tác dụng co mạch đạt trong vòng 10 phút và kéo dài trong khoảng 2 - 6 giờ. Nhưng sau đó người bệnh cũng có thể bị ngạt mũi trở lại khiến cho người bệnh lại phải dùng đến thuốc. Điều này khiến bệnh nhân dễ lạm dụng thuốc, tự ý sử dụng quá thời gian cho phép (5-7 ngày). Khi dùng thuốc kéo dài và lặp lại nhiều lần sẽ xảy ra hiện tượng giãn mạch thứ phát, nếu tiếp tục dùng nữa tình trạng giãn mạch sẽ trở nên thường xuyên hơn.

Cuốn mũi sẽ phù nề và mức độ ngạt mũi của bệnh nhân sẽ tăng lên. Khi cuốn mũi bị co lại một cách cưỡng bức và dần dần hoạt động sẽ lệ thuộc vào thuốc tới một lúc nào đó sẽ trơ đối với thuốc (số lần nhỏ sẽ nhiều hơn, liều lượng tăng hơn và mức độ ngạt mũi cũng sẽ nặng hơn). Đó chính là hiện tượng mà bạn đang gặp phải.

Việc điều trị viêm mũi dị ứng cùng với khắc phục hậu quả do lạm dụng thuốc gây ra sẽ phức tạp và đòi hỏi sự kiên trì. Bạn nên tới chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị bài bản và đặc biệt là tuân thủ dùng thuốc.

Ngoài ra, bạn cần ăn uống thật đầy đủ chất, bổ sung vitamin, thể dục thể thao, bớt căng thẳng... giúp tăng cường hệ miễn dịch. Sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước biển rửa mũi hàng ngày 1-2 lần để làm giảm dịch nhầy mũi và giảm nghẹt mũi.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!