Giảng bài cho con: Lợi bất cập hại

Nuôi dạy con - 11/28/2024

Vốn quen với việc được cha mẹ làm hộ công việc, khi con đến lớp, thiếu đi một chỗ dựa, con sẽ cảm thấy lo âu.

Nhiều cha mẹ vẫn quen với việc giảng bài cho con, tuy nhiên trẻ học giỏi và học hiệu quả nhất chính là khi chúng tự giác học.

1. Con sẽ không có không gian riêng tư để giải quyết công việc của bản thân

Cha mẹ thường có câu trả lời khi con hỏi bố mẹ đi đâu là: 'Bố mẹ đi có việc'. Cha mẹ không cho con biết 'có việc' là cái gì, một phần vì nghĩ con chưa hiểu được 'có việc' đó là cái gì, một phần vì muốn giữ bí mật chút ít cho riêng mình.

Ai cũng cần có không gian riêng để suy ngẫm, để sống, để tự chủ giải quyết các công việc hay vấn đề của mình. Vì thế dạy con tập trung giải quyết công việc một cách riêng tư và quyết đoán là điều cha mẹ hoàn toàn nên làm. Hơn nữa, đứa trẻ không có không gian riêng chắc chắn sẽ cảm thấy bức bối và dễ bị stress.

2. Cha mẹ ít khi đủ bình tĩnh để lắng nghe con nói khi đang giảng bài

Cha mẹ thường quên rằng, để có được khối kiến thức to lớn trong đầu, họ phải học cả mười mấy năm. Bây giờ, con đang trong quá trình học, con vất vả, vật lộn với bài học là chuyện rất bình thường.

Tuy nhiên, ít người đủ kiên nhẫn mà nghĩ như vậy, hầu hết cha mẹ quá kỳ vọng vào con nên cũng nhanh chóng thất vọng. Giảng mãi con không hiểu, rất nhiều cha mẹ đã la hét, chửi bới, mắng mỏ, gọi con bằng các từ ngữ xúc phạm, thậm chí đánh. Đó là những hành vi xâm phạm thân thể và danh dự trẻ. Từ đó, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ căng thẳng, khoảng cách sẽ bị kéo dài ra.

Giảng bài cho con: Lợi bất cập hại

3. Con sẽ ỷ lại và lười

Việc học luôn được cha mẹ nhắc nhở, vì thế, tự động con nghĩ rằng: Con học là việc của cha mẹ. Con sẽ đợi cha mẹ về giúp con, la mắng con, xỉ vả con. Tâm lý ỷ lại vào người khác của trẻ sẽ xuất hiện rất nhanh khi ai đó vừa ngỏ lời nhận giúp đỡ một chút xíu. Đương nhiên, con sẽ rất lười biếng.

Con gái tôi là một cô bé rất tự giác, nhưng ông bà ngoại lại rất muốn dạy cháu học, kiểm tra bài cho cháu, dĩ nhiên là cả la mắng nữa. Bỗng nhiên có một năm học, bà bị ốm nặng, phải sang châu Âu chữa trị, ông đi theo chăm bà, và... con bé học khá hẳn, kết quả cao hơn hẳn. Đơn giản vì cháu hiểu, giờ không có ai gánh hộ mình, vì thế cháu tập trung học tập hơn.

4. Hầu như cha mẹ giảng sai

Cha mẹ nên nhớ, dạy trẻ phải theo một tiến trình rất cụ thể và rõ ràng. Tiến trình đó phải được xây dựng theo tâm sinh lý lứa tuổi. Cha mẹ đã học xong cả tiến trình rồi. Trong đầu các cha mẹ có cả mớ kiến thức đủ loại, phong phú, đa dạng, và đương nhiên không rõ ràng là ở tiến trình nào.

Trẻ em đang trong tiến trình, vì thế, cách suy nghĩ, cách làm bài, các kiến thức bài học... cũng được phân theo tiến trình. Nhiều cha mẹ ức chế khi thấy con làm bài không sai mà bị cô trừ điểm. Họ đã quên rằng, kết quả bài con không sai nhưng cách trình bày không đúng với quy định của lớp (nghĩa là con làm sai với tiến trình). Cô trừ điểm để con hiểu thêm bài. Chính việc cha mẹ không hiểu tiến trình đó đã dẫn tới cách giảng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược với cô giáo. Con ở giữa vô cùng hoang mang, không hiểu phải làm thế nào.

Giảng bài cho con: Lợi bất cập hại

5. Bệnh thành tích phát triển

Khi giảng bài cho con, sự kỳ vọng sẽ khiến cha mẹ ngày càng khát khao thành tích. Họ chợt thấy con thật thông minh, nếu con không được giỏi thì quá vô lý. Vì thế, áp lực thành tích sẽ ngày càng đè nặng lên cha mẹ và con.

6. Những bé được cha mẹ giảng bài thường thiếu tự tin

Vốn quen với việc được cha mẹ làm hộ công việc, khi con đến lớp, thiếu đi một chỗ dựa, con sẽ cảm thấy lo âu. Lâu dần, con sẽ thiếu tự tin không chỉ ở trên lớp mà còn ở trong cuộc sống. Tính cách thiếu quyết đoán, thiếu kiên nhẫn, dễ nổi khùng cũng rất dễ hình thành do stress khi ngồi học. Ghét học, ức chế vì việc học... là những cảm giác rất dễ hình thành khi con ngồi học mà bố mẹ cứ muốn nhảy vào giảng bài.

Vì thế, bố mẹ không nên giảng bài cho con, hãy để việc đó cho cô giáo. Sẽ có rất nhiều mục tiêu con cần đạt được khi học (ví dụ học cách thực hiện trách nhiệm của mình) mà con sẽ không đạt nếu cha mẹ cứ làm hộ con như vậy.

Ảnh minh họa: Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!