Gout là bệnh viêm khớp vi tinh thể, thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa, do rối loạn chuyển hóa nhân purin, làm tăng quá mức nồng độ acid uric trong máu (nam trên 0,42 µmol/L, nữ trên 0,36µmol/L). Nguyên nhân tăng acid uric máu là do tăng sản xuất hoặc giảm đào thải acid uric hoặc cả hai. Các yếu tố nguy cơ là tăng huyết áp, béo phì và hội chứng chuyển hóa, tăng insulin máu và sự đề kháng insulin, thói quen sử dụng thực phẩm giàu đạm chứa nhiều purin.
Nguyên tắc điều trị bệnh gout: Điều trị viêm khớp trong cơn gout cấp và dự phòng tái phát cơn gout. Trong điều trị thường được sử dụng các nhóm thuốc chính sau:
Thuốc kháng viêm giảm đau
Thuốc kháng viêm giảm đau được dùng để điều trị viêm khớp trong cơn gout cấp hoặc đợt cấp gout mạn.
- Thuốc kháng viêm không steroid:Gout cấp thường được điều trị bằng một thuốc chống viêm không steroid mạnh với liều cao như: indometacin, diclofenac, piroxicam, ketoprofen... Nhóm thuốc này có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa (viêm loét dạ dày tá tràng) và ảnh hưởng đến chức năng thận. Các thuốc nhóm chống viêm ức chế chọn lọc COX-2 (meloxicam, celecoxib, etoricoxib...) ít tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa, tuy nhiên cần thận trọng với những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, suy thận.
-Colchicine:Colchicine có tác dụng điều trị đặc hiệu cơn gout cấp tính, làm giảm đau và giảm viêm nhanh trong vòng 12 - 24 giờ đầu dùng thuốc, vì thế còn được dùng làm test chẩn đoán. Thuốc không có tác dụng đào thải acid uric.
Colchicine cần dùng càng sớm càng tốt và không nên sử dụng liều cao vì có tác dụng không mong muốn (gây tiêu chảy). Thuốc không giữ nước do đó có thể dùng cho người bị bệnh suy tim, hoặc người đang dùng thuốc chống đông. Chú ý giảm liều ở bệnh nhân có bệnh thận mạn, người lớn tuổi (trên 70 tuổi). Có thể phối hợp với một thuốc nhóm chống viêm không steroid nếu không có chống chỉ định để đạt hiệu quả chống viêm giảm đau tốt hơn. Colchicine còn có thể được sử dụng để điều trị dự phòng tái phát các đợt gout cấp.
- Corticoid:Corticoid đường toàn thân được chỉ định khi các thuốc kháng viêm không steroid và colchicine không hiệu quả hoặc người bệnh có chống chỉ định với các loại thuốc này. Cần rất hạn chế và dùng ngắn ngày nhóm thuốc corticoid.
Corticoid tiêm trực tiếp vào khớp viêm phải được thực hiện bởi thầy thuốc chuyên khoa cơ xương khớp sau khi loại trừ viêm khớp nhiễm khuẩn.
Cần lưu ý rằng, các thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen ít được sử dụng trong điều trị gout do thuốc không có tác dụng kháng viêm. Thuốc acetylsalicylic acid và các muối salicylat khác cũng không phù hợp vì làm tăng nồng độ urat trong huyết tương.
Người bị bệnh gút nên ăn nhiều rau xanh.
Thuốc ức chế tổng hợp và tăng thải acid uric
Các thuốc này được dùng để dự phòng tái phát cơn gout, dự phòng lắng đọng urat và dự phòng biến chứng.
Gout mạn có thể điều trị bằng các thuốc ức chế sản xuất acid uric, hoặc bằng các thuốc tăng cường bài tiết acid uric qua nước tiểu.
Nhóm thuốc ức chế tổng hợp axit uric
+ Allopurinol: Allopurinol là chất ức chế mạnh xanthin oxydase nên làm giảm sinh tổng hợp acid uric, giảm nồng độ acid uric máu và có thể hòa tan tinh thể urat trong hạt tophi. Allopurinol còn ngăn ngừa được sự tạo sỏi acid uric trong thận. Các tác dụng phụ của allopurinol như sốt, nôn, buồn nôn, đau đầu, đau bụng, đau cơ, ban đỏ ở da, dị ứng... Có khoảng 5% bệnh nhân không dung nạp thuốc.
+ Febuxostat: Giúp ngăn chặn sản xuất acid uric bằng cách ngăn chặn một enzym phá vỡ purin thành acid uric. Cần thận trọng dùng thuốc cho bệnh nhân suy thận nặng, có tiền sử xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim hoặc suy tim sung huyết, có thay đổi chức năng tuyến giáp. Febuxostat có nguy cơ đông máu cao hơn allopurinol. Các tác dụng phụ của febuxostat như: tiêu chảy, buồn nôn, nhức đầu, ban, phù.
Lưu ý: Khi sử dụng nhóm thuốc giảm tổng hợp acid uric, chỉ nên dùng khi đã hết cơn gout cấp, tình trạng khớp viêm đã thuyên giảm sau điều trị bằng các thuốc kháng viêm. Có thể phối hợp với colchicine trong thời gian đầu để đề phòng bùng phát cơn gout cấp do huy động acid uric dự trữ từ các mô.
Nhóm thuốc tăng thải axit uric
Cần xét nghiệm acid uric niệu trước khi dùng nhóm thuốc này. Tuyệt đối không dùng nhóm thuốc này khi acid uric niệu trên 600mg/24h, suy thận, sỏi thận, người cao tuổi, gout mạn có hạt tophi.
Thuốc phối hợp
Có thể dùng thuốc phối hợp giữa thuốc giảm tổng hợp acid uric (allopurinol) và tăng thải acid uric ở thận (lesinurad) - duzallo trong điều trị tăng acid uric máu có liên quan đến gout ở những bệnh nhân không đạt nồng độ acid uric huyết thanh mục tiêu khi đơn trị bằng allopurinol. Thuốc nên uống vào buổi sáng sau khi ăn, cần uống nhiều nước khi sử dụng thuốc. Không khuyến cáo sử dụng thuốc này cho điều trị tăng acid uric máu không có triệu chứng. Thuốc được cảnh báo về nguy cơ suy thận cấp.
Để phòng tránh bệnh gout cần có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, hạn chế các loại thực phẩm có chứa nhiều purin, như các loại thịt, cá, hải sản giàu đạm, nội tạng động vật, một số loại đậu đỗ... hạn chế bia rượu, uống nhiều nước, có thể bổ sung các loại nước khoáng kiềm, soda, tránh các yếu tố nguy cơ khởi phát cơn gout như stress, chấn thương.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!