Giúp bạn sử dụng thuốc chữa bệnh hô hấp cho trẻ

Nuôi dạy con - 04/29/2024

Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa kết hợp với những đợt giông, bão xảy ra thường xuyên khiến nhiệt độ môi trường thay đổi nhiều giữa ngày và đêm, độ ẩm trong không khí thấp thuận lợi cho virut, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp ở trẻ.

Đặc biệt, trong những ngày đầu năm học, bệnh có thể lây truyền nhanh vì mật độ người đông, nhất là ở những nơi vui chơi công cộng cho trẻ, các trường mần non... Do vậy, phụ huynh không nên lơ là trước các biểu hiện khác thường của trẻ tại đường hô hấp để chữa trị kịp thời cũng như không làm lây bệnh cho trẻ khỏe mạnh.

Thuốc chữa viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng cấp)

Đây là bệnh phổ biến nhất ở trẻ em trong thời gian này. Trẻ thường ho kèm theo chảy nước mũi, có thể kèm theo sốt nhưng không khó thở. Ho là một phản ứng của cơ thể để tống các chất lạ hoặc chất nhầy tiết nhiều quá ra khỏi các ống dẫn khí nên nhiều khi không nên tìm cách ngăn cản triệu chứng ho.

Một số thuốc an thần, giảm ho có khi lại có hại, làm cho trẻ khó thở. Bên cạnh đó, sử dụng paracetamol có thể làm cho trẻ giảm sốt, đau nhức, mệt mỏi trong 1-2 ngày đầu. Tắc mũi làm trẻ không bú, không ngủ được, ở trẻ  nhỏ có thể nhỏ mũi với nước muối sinh lý natriclorid 0,9%.

Đối với trẻ lớn hơn, có thể nhỏ mũi dung dịch phenylephrin trước lúc ăn hay đi ngủ 15-20 phút, lập lại một lần nữa 5-10 phút sau và không nên dùng kéo dài quá 5 ngày. Ở trẻ quá nhỏ, cha mẹ có thể chống tình trạng tắc mũi bằng cách đặt trẻ nằm sấp, đầu nghiêng hoặc hút mũi cho trẻ bằng miệng. Chỉ khi trẻ ho khan nhiều quá, bị mất sức vì ho ban đêm thì mới cho uống thuốc ho và an thần (như theralene…) để làm dịu cơn ho.

Giúp bạn sử dụng thuốc chữa bệnh hô hấp cho trẻ

Trẻ bị viêm phổi uống kháng sinh cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ. (Ảnh minh hoạ)

Thuốc chữa viêm tiểu phế quản cấp

Là bệnh hay gặp ở trẻ lớn trên 5 tuổi. Trẻ thường có các triệu chứng như sốt, ho nhưng không thở nhanh hoặc co rút lồng ngực nên được chữa trị sớm bằng kháng sinh đơn lẻ như ampicilin, amoxicilin, cefuroxim hay các kháng sinh phối hợp như ampicilin kết hợp với sulbactam, amoxicilin kết hợp clavulanic. Nếu trẻ dị ứng với nhóm beta-lactam thì dùng nhóm macrolid như erythromycine hoặc azithromycin khi đói hay clarithromycin. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh nào, liều lượng và cách uống cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Thuốc chữa viêm phổi

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ bị viêm phổi thường xuất hiện các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, quấy khóc, ăn kém, khó chịu, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, nôn, tiêu chảy. Trường hợp nặng hơn, trẻ sẽ sốt cao, mệt mỏi, quấy khóc, ho, thở nhanh, lồng ngực rút lõm, thở khò khè, tím tái.

Cha mẹ cần phải đưa trẻ tới cơ sở y tế khám và chữa trị  kịp thời bằng thuốc kháng sinh. Đối với những trường hợp nhẹ, trẻ không cần nhập viện, thầy thuốc sẽ hướng dẫn bạn theo dõi và điều trị tại nhà bằng thuốc kháng sinh trong thời gian ít nhất 5 ngày. Đối với những trẻ bị nặng hơn, cần được theo dõi và điều trị theo kháng sinh đồ tại cơ sở y tế. Ngoài ra, cần điều trị hạ sốt cho trẻ bằng paracetamol.

Dùng thuốc trị bệnh hen

Đây là một bệnh có liên quan tới các phế quản và biểu hiện từng cơn do các phế quản co thắt lại làm cho trẻ không thở ra được. Nguyên nhân có thể do dị ứng với bụi, phấn hoa, lông súc vật, một số vi sinh vật… Cơn hen nặng hay nhẹ tùy ở từng trẻ.

Trong cơn hen nặng, trẻ thường phải ngồi, mặt tím tái, vã mồ hôi, hít thở khó khăn với những tiếng rít đặc trưng của bệnh. Các thuốc chữa hen (salbutamon, ventolin…) có tác dụng chủ yếu làm giãn phế quản để cho cơn hen dịu đi. Khi sử dụng cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, nhất là các thuốc dạng xịt để cơ thể có đủ lượng thuốc cần thiết. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc mà cơn hen vẫn tiếp diễn thì cần phải cho trẻ vào bệnh viện để có biện pháp xử trí thích hợp.

Lời khuyên thầy thuốc

Trong tủ thuốc gia đình nên có sẵn nhiệt kế, thuốc hạ sốt, dung dịch nhỏ mũi, nhỏ mắt, gói oresol... để dùng khi cần thiết. Ngoài chăm sóc ăn uống và phòng chống lạnh, tránh gió lùa, có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch sunfarin hoặc natriclorid 0,9%.

Luôn trang bị khẩu trang cho trẻ khi ra đường. Người tiếp xúc với bé cần dùng khăn hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi, sổ mũi. Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh.

Hạn chế cho trẻ ra ngoài đường vào những ngày thời tiết chuyển mùa, tạo thói quen cho trẻ uống nước ấm vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy để cổ họng bé không bị khô. Cần chú ý không cho trẻ ốm đi nhà trẻ, mẫu giáo để tránh lây lan cho trẻ khác.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sáng

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!