Thời gian qua, phụ nữ mang thai là đối tượng bị bệnh Rubella tấn công mạnh mẽ nhất. Nhiều bà mẹ, trong đó có những bà mẹ hiếm muộn đã phải khóc ròng khi có chỉ định bỏ thai vì nhiễm vi-rút Rubella. Vậy có cách nào để người mẹ mang thai an toàn và tránh bị nhiễm vi-rút Rubella tấn công hay không?
Thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường như hiện nay rất thuận lợi cho bệnh Rubella xuất hiện và lây lan thành dịch, vì vậy cần cảnh giác cao. Rubella là bệnh có thể có ở khắp toàn cầu, mọi lứa tuổi có thể mắc bệnh nhưng lại dễ nhầm với bệnh sởi.
Người bị nhiễm vi-rút Rubella dễ lây bệnh cho người chưa có miễn dịch với Rubella từ một tuần trước khi phát bệnh (thời kỳ ủ bệnh đã lây truyền rồi) và sau khi bệnh phát ban 1 tuần. Đối với trẻ bị hội chứng Rubella bẩm sinh có thể là nguồn gieo rắc vi-rút Rubella rất nguy hiểm từ nước tiểu hoặc các dịch tiết mũi họng, đờm, nước bọt kéo dài 1 năm hoặc có thể dài hơn thế.
Khi người chưa có miễn dịch mà tiếp xúc với người bị nhiễm Rubella thì nguy cơ bị lây nhiễm bệnh rất cao từ không khí hoặc từ các giọt nước bọt nhỏ li ti bắn ra. Vi-rút Rubella cũng có thể từ máu của người mẹ bị nhiễm vi-rút Rubella vào thai nhi gây nhiễm khuẩn bào thai.
Hội chứng Rubella bẩm sinh
Hậu quả nhiễm vi-rút Rubella ở phụ nữ mang thai
Bệnh Rubella có thể gặp ở mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính nhưng nguy hiểm nhất của bệnh Rubella là khi gặp ở phụ nữ đang mang thai, đặc biệt là thai kỳ ở giai đoạn 3 tháng đầu.
Người ta thấy rằng, thời gian nhiễm bệnh ở phụ nữ đang mang thai càng sớm thì tỷ lệ biến chứng cho thai nhi càng lớn do bào thai đang trong giai đoạn phân bào và hình thành các cơ quan. Khi nhiễm vi-rút Rubella, sau khi vào cơ thể chúng sẽ phá huỷ hoặc làm chậm sự phát triển của phôi thai xuất hiện các dị tật bẩm sinh của trẻ.
Theo các điều tra nghiên cứu thì nếu mẹ mang thai 3 tháng đầu mà bị nhiễm vi-rút Rubella thì tỷ lệ trẻ sinh ra bị nhiễm vi-rút Rubella rất cao, trên 90% (trung bình từ 50 - 80%) và nếu bị nhiễm từ 3 tháng tiếp theo thì tỷ lệ trẻ sinh ra mắc bệnh Rubella khoảng từ 10 - 30%.
Dị tật gặp ở thai nhi sau khi sinh (hội chứng Rubella bẩm sinh) có thể là điếc, tim bẩm sinh, đục thuỷ tinh thể, bệnh đầu nhỏ (chậm phát triển), bại não hoặc các dị dạng về xương, tổn thương các xương dài, mù mắt...
Vi-rút Rubella
Nên làm gì để hạn chế hiện tượng bỏ thai nhi vì bệnh Rubella?
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Rubela. Vì vậy đối với phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ nếu chưa bao giờ bị bệnh Rubella hoặc chưa tiêm vắc-xin phòng Rubella cần lưu ý tiêm vắc-xin phòng bệnh Rubella để có đủ kháng thể chống lại vi-rút gây bệnh. Tiêm càng sớm càng tốt.
Khi đã mang thai thì không thể tiêm vắc-xin phòng bệnh Rubella được nữa bởi vắc-xin Rubella là một loại vắc-xin sống, giảm độc lực có thể sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Những phụ nữ chưa tiêm vắc-xin Rubella hoặc chưa bị mắc bệnh Rubella bao giờ muốn mang thai nên tiêm vắc-xin phòng bệnh Rubella trước đó một thời gian ít nhất là 3 tháng để cơ thể có đủ kháng thể chống lại tác nhân vi-rút gây bệnh Rubella khi đang mang thai.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu triển khai Chiến lược tiêm chủng vắc-xin Rubella thì những phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ sẽ là đối tượng ưu tiên số 1 vì sau khi tiêm vắc-xin một thời gian nhất định sẽ làm giảm tỷ lệ nhiễm vi-rút Rubella ở phụ nữ mang thai.
WHO cũng khuyến cáo rằng, sau đối tượng phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ thì cần tiêm phòng vắc-xin Rubella cho tất cả trẻ em từ 1 - 14 tuổi và đối tượng thứ 3 là cần tiêm phòng vắc-xin cho mọi trẻ sơ sinh được sinh ra hằng năm theo lịch tiêm chủng mở rộng nhằm hạn chế nguồn truyền nhiễm và tiến tới loại trừ bệnh Rubella.
Đối với những phụ nữ đang mang thai (kể cả phụ nữ đang mang thai mà đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh Rubella trước khi mang thai) thì không tiếp xúc với những người đang mắc bệnh Rubella.
Người ta cũng khuyến cáo một số trường hợp sau đây không tiêm vắc-xin phòng bệnh Rubella: Những phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ có thai, những trường hợp xác định bị dị ứng với thuốc kháng sinh neomyxin, những trường hợp bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc làm giảm miễn dịch (ví dụ bệnh nhân đang dùng thuốc chống ung thư, bệnh nhân AIDS…), đang mắc bệnh ác tính về máu hoặc đang mắc các bệnh khuẩn khuẩn nặng (cấp tính hoặc mạn tính).
Đối với phụ nữ mang thai nếu có nghi ngờ mình bị nhiễm vi-rút Rubella thì nên đến các bệnh viện phụ sản để được tư vấn và có thể làm các xét nghiệm xác định.
Hiện nay, Bệnh viện Phụ sản TW đang tiến hành phương pháp sử dụng kist thử và máy Real - time PCR để phát hiện sớm thai nhi có bị nhiễm Rubella từ mẹ không với độ chính xác lên đến 90%. Đây cũng là phương pháp tiên tiến nhất hiện nay nhằm cung cấp cho bà mẹ những thông tin cần thiết trước quyết định của mình.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!