Nghẹn ngào lời tâm sự của những bé gái
Cách đây không lâu, trên mạng xã hội xuất hiện một bức thư được cho là của một bé gái 9 tuổi kể về việc bố mẹ đã 'quá thương em trai' mà bỏ rơi mình. Nội dung bức thư thể hiện: 'Con ước mình là một đứa con trai để bố mẹ yêu quý và chăm sóc. Ngày trước, có mình con, bố mẹ cũng yêu chiều con lắm. Tuy nhiên, từ ngày có em Tôm, bố mẹ đã chuyển yêu thương từ con sang em. Bao đồ chơi siêu nhân bố mẹ mua hết cho em, còn con thì chẳng có gì. Bố mẹ bảo con lớn rồi nên không mua nữa. Bố mẹ có bao giờ nghĩ cho con chưa? Tại sao bố mẹ lại thiên vị cho em như vậy?
Có lần đi học về con bị ngấm nước mưa, nằm ốm liệt giường không muốn dậy, mẹ lấy ra vài viên thuốc cảm cúm để bàn rồi bảo con tự đi lấy nước mà uống. Trong khi đó, em trai thì khác, ốm mẹ đi mua thuốc chăm sóc từng tí, mua hoa quả vắt nước cho em uống vì sợ uống nhiều kháng sinh em bị nóng. Bao nhiêu lần con cũng mặc kệ vì con biết con buồn hay khóc cũng chả ai để tâm. Con cảm giác như trong cái gia đình này con không phải con của mẹ vậy. Con cô đơn trong chính cái gia đình của con mẹ ạ'.
Một câu chuyện khác của một bé gái 13 tuổi khiến mỗi chúng ta tự xem lại mình bởi tư tưởng 'trọng nam, khinh nữ'. Bé gái kể, từ ngày có em trai, bé cảm thấy ít được bố mẹ quan tâm hơn. Bé bảo mình rất ghen tị với em trai và thường tỏ thái độ khó chịu mỗi khi bố mẹ thể hiện tình cảm dành cho em của mình. Rồi cái cảm giác mệt mỏi, ốm đau nhưng bố mẹ không hỏi han em một câu khiến em thấy tổn thương và muốn đi tìm cái chết.
Phải đẻ con trai vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình tại Việt Nam (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Xóa bỏ tư tưởng 'phải có con trai'
Từ những câu chuyện trên cho thấy, ở nhiều gia đình thì con trai thường được yêu chiều hơn. Thực tế cho thấy, tại không ít gia đình, các ông bố, bà mẹ vẫn có tư tưởng, con gái là phải chăm chỉ, nết na và biết nội trợ, con trai chỉ cần khỏe mạnh để sau này nuôi cha mẹ và gánh vác những việc lớn trong gia đình. Chính vì vậy, ngay từ tấm bé, con trai được nuông chiều, không được dạy việc chia công việc với mẹ, với chị, với em gái. Thậm chí, có những gia đình chị hoặc em gái phải hy sinh, nghỉ học đi làm để nuôi anh hoặc em trai ăn học.
Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến những bé gái nảy sinh ghen tỵ. Từ sự ghen tỵ, bé gái ấy trở nên ương bướng, khó bảo, thường làm những điều trái với ý muốn của cha mẹ hoặc phá đám cho bõ tức. Sự thiên lệch tình cảm của cha mẹ còn gây nên sự thù hận giữa chúng. Có những đứa trẻ thấy hả hê khi thấy anh hoặc em trai - người mà chúng cho là luôn được bố mẹ yêu thương hơn, gặp chuyện không may.
Theo chuyên gia, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề trên là sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Bởi lẽ, từ bao đời nay, người ta vẫn quan niệm việc nhà là việc của phụ nữ. Đó là những công việc vặt vãnh, không tên, nhẹ nhàng, đơn giản, ai làm cũng được. Chính nhiều phụ nữ cũng còn cho rằng chỉ có mình mới làm tốt công việc nội trợ, họ còn không khuyến khích nam giới làm mà còn tỏ ra ái ngại khi thấy chồng hoặc con trai làm những công việc nội trợ một cách vụng về.
Trong khi đó, nam giới ít khi làm việc nhà vì họ nghĩ rằng: Nam giới là trụ cột gia đình nên chỉ làm việc lớn; nam giới làm việc vặt sẽ mất thể diện với mọi người trong gia đình, bạn bè, hàng xóm; trong khi phụ nữ làm việc nhà khéo hơn nam giới; Trách nhiệm của phụ nữ là sinh đẻ, nuôi dạy con gắn với nội trợ trong gia đình; Mẹ nói năng nhẹ nhàng, tình cảm nên để mẹ dạy con tốt hơn còn bố nóng tính, hay quát mắng con làm con dễ sợ và bố chỉ dạy con việc lớn. Do vậy, nam giới không thường xuyên làm việc nhà, họ chỉ làm khi không có người phụ nữ nào giúp; nhưng trong thực tế nam giới cũng có thể làm tốt các công việc như đi chợ, nấu ăn, chăm sóc người già, trẻ con, người ốm, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, chăm sóc, dạy dỗ con.
Bên cạnh đó, dù muốn hay không, trước áp lực của gia đình, dòng họ, bản thân nhiều người phụ nữ đã phải tìm mọi cách để cố 'nặn' cho bằng được một đứa con trai để yên cửa, yên nhà. Từ đó, không ít người đã rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm thậm chí mất mạng chỉ vì nỗi khổ mang tên 'không biết đẻ'. Điều này làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta và kéo theo nhiều hệ lụy đau lòng khác…
Cũng vì chính những tư tưởng ấy khiến tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn do tâm lý thích sinh con trai hơn con gái của nhiều gia đình Việt. Để khắc phục vấn nạn này không thể một sớm, một chiều, nó cần phải có một quá trình dài nhằm khắc phục tư tưởng 'buộc phải có con trai để nối dõi tông đường'. Tuy nhiên, giải pháp trước mắt là để nâng cao vai trò của người phụ nữ, xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu, phê phán ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử với nữ giới.
Cần đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức được nguy cơ của việc mất cân bằng giới tính khi sinh để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh. Bởi lẽ, khi lựa chọn sinh con trai, có nghĩa là các cặp vợ chồng đã tước đi quyền sống của những bé gái. Trong khi đó, một trong những quyền con người cơ bản - quyền được sống của những thai nhi là gái đã không được đảm bảo.
Đặc biệt, càng lựa chọn giới tính thai nhi là nam thì có nghĩa là vấn đề bất bình đẳng giới ở Việt Nam còn rất nặng nề, nó sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như: Người phụ nữ không có được vị thế, người phụ nữ không có được tiếng nói, người phụ nữ không phát huy được vai trò của mình trong sự phát triển của xã hội...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!