Thực phẩm chưa được nấu chín thường mang theo mầm bệnh và có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Một trong những thói quen mà nhiều người thường mắc phải trong sinh hoạt hàng ngày là ăn rau sống, phở bò tái, tiết canh, nem chạo…
Thực phẩm chưa nấu chín kỹ hoặc sử dụng ăn sống có thể mang mầm bệnh và luôn tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường, như rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn (do vi khuẩn E.coli, vi khuẩn Samonella, vi khuẩn Shigella, vi khuẩn Clostridium Perfringens…), nặng hơn có thể mắc phải các bệnh gây đe dọa tính mạng con người như bệnh viêm não do nhiễm liên cầu lợn, bệnh viêm não do sán dây lợn, hoặc tử vong do biến chứng của bệnh…
Tiết canh là món ăn khoái khẩu tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe
Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do vi khuẩn Escherichia Coli, viết tắt là E.coli, là một loại vi khuẩn kí sinh trong đường ruột của động vật máu nóng. Trong quá trình chế biến thực phẩm có thể làm ô nhiễm vi khuẩn E.coli vào thịt, nhất là thịt xay, thịt đập mềm có thể làm ô nhiễm E.coli trên bề mặt vào trộn lẫn bên trong, đó là lý do tại sao cả tảng thịt nguyên thì ít có nguy cơ nhiễm khuẩn hơn là thịt xay. Ngoài ra vi khuẩn E.coli cũng tìm thấy trong các loại thực phẩm khác như trái cây và rau, nước lã không tinh lọc… Có nhiều loại E.coli khác nhau, đa phần là vô hại nhưng có một số loại vi khuẩn E.coli có thể gây bệnh mà dễ gây bệnh nhất là E.coli O157:H7. Người ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm bởi vi khuẩn E.coli xuất hiện các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, sốt nhẹ... Trong những trường hợp nghiêm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu làm tan máu, tăng urê máu, tổn thương thận, xuất huyết.
Nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do ăn phải thực phẩm ô nhiễm vi khuẩn mà thường gặp là do vi khuẩn Samonella, do ăn phải thịt nhiễm mầm bệnh nhất là thịt tái, thịt sống, trứng (gà, vịt), ăn nghêu, sò chưa nấu chín kỹ… Bệnh biểu hiện bởi hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc và hội chứng viêm dạ dày, ruột cấp tính với các triệu chứng sốt cao, nhức đầu, tiêu chảy nhiều lần (có thể tới vài chục lần/ngày), đau bụng, buồn nôn, nôn… Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể gây trụy tim mạch và dẫn đến tử vong.
Một trong những hiểm họa đáng nói là nguy cơ nhiễm liên cầu lợn do thói quen ăn tiết canh, ăn nem chạo. Thủ phạm gây bệnh là vi khuẩn Streptococus suis, thường cư trú ở đường hô hấp trên của động vật đặc biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân. Ngoài ra vi khuẩn cũng có thể có trong đường tiêu hóa, đường sinh dục của lợn. Khi lợn bị bệnh, vi khuẩn có thể lan tràn đến nhiều cơ quan khác và có thể có cả trong máu. Những người ăn thực phẩm có ô nhiễm liên cầu lợn (do chế biến, do lợn mắc bệnh) thường là các sản phẩm từ máu, từ thịt sống như tiết canh, nem chạo có nguy cơ mắc phải bệnh nhiễm liên cầu lợn. Đây là căn bệnh nguy hiểm với các triệu chứng của bệnh viêm màng não như nhức đầu, sốt cao, cứng gáy, rối loạn ý thức, rối loạn trí nhớ, tổn thương thần kinh khu trú, nặng hơn có thể có hôn mê, người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Chất lượng rau sống cũng là nỗi lo của nhiều người
Ngoài ra, thói quen ăn tiết canh, nem thính làm từ thịt nạc sống cũng là mối hiểm họa do có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán lợn. Bệnh do do nang sán dây lợn Taenia solium gây ra. Ở người và ở lợn, ấu trùng Taenia solium sau khi vào cơ thể cư trú trong lòng ruột, đào thải nang sán ra môi trường bên ngoài qua phân. Ấu trùng trong đường tiêu hóa phát triển và chu du đến các cơ quan trong cơ thể, gây nên các triệu chứng lâm sàng. Ấu trùng sán lợn có thể cư trú ở cơ, xương, gan, não… và gây nên nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau. Tại Việt Nam, đã có nhiều trường hợp có triệu chứng tổn thương não, động kinh, tăng áp lực nội sọ, tổn thương thần kinh do có nhiều ổ sán dây lợn phát triển trong não được chẩn đoán và điều trị.
Thực hành ăn uống hợp vệ sinh hay nói khác là ăn chín, uống sôi có vai trò phòng bệnh rất quan trọng. Để phòng tránh bệnh tật thì cần làm tốt công tác tuyên truyền, nang cao nhận thức cho người dân để hiểu biết về bệnh tật và áp dụng các biện pháp phòng tránh. Thực hành ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng đúng cách trước khi ăn và sau khi vệ sinh, không ăn tiết canh, không ăn nem thính, không ăn gỏi, không ăn thực phẩm sống, không ăn thực phẩm nấu chưa chín. Sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không ăn thịt động vật mắc bệnh, tốt nhất là sử dụng các sản phẩm đã qua kiểm dịch./.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
ThS.BS. Nguyễn Kiên Cường
Viện Y học Dự phòng Quân đội
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!