Xe tập đi giúp bé dễ tập đi hơn
Trên thực tế, nhiều bố mẹ rất thích nhìn thấy con biết đi sớm, nên đã cho vào xe tập đi hình tròn/bầu dục, có 6 bánh từ rất sớm. Nhưng lạm dụng xe tập đi lại khiến bé yếu đi và biết đi muộn hơn.
Khi đi bằng xe tập đi, bé luôn trong ‘tình trạng’ lao người về phía trước, tựa ngực vào thành xe, như vậy bé sẽ không học được cách giữ thăng bằng. Đi bằng xe tập đi, bé không luyện tập được cơ đùi và mông. Hai cơ này lại cực kỳ quan trọng trong việc tập đi của bé.
Đi xe tập đi nhiều và thường xuyên sớm hơn lứa tuổi khiến sức nặng của cơ thể thường xuyên đè lên vai bé, dẫn tới biến dạng đùi, chân và lưng dễ bị cong. Tốc độ phi trong xe tập đi tạo cho bé thói quen lúc nào cũng đi như chạy, xô vào các đồ vật trên đường đi. Điều này tạo thành thói quen nguy hiểm cho bé khi không còn dùng xe tập đi nữa.
Tốt nhất, bố mẹ hãy để bé tự tập đi, chập chững những bước đầu tiên theo đúng ‘lịch’ phát triển của từng bé. Đừng sốt ruột khi thấy con nhà người khác bằng tuổi đã đi vững. Lúc này, bé sẽ cần tới xe tập đi có tay cầm và đẩy xe đi. Chiếc xe tập đi này sẽ giúp bé giữ thăng bằng, bước đi tự nhiên và nhanh biết đi hơn.
Bé phải biết bò rồi mới tập đi
Không phải bé nào cũng như vậy. Thông thường, các bé đều biết bò từ khi được 7-9 tháng tuổi. Nhưng một số bé nhảy vọt qua giai đoạn bò và bắt đầu đi từ lúc 8 tháng. Hoặc có bé bò, nhưng bò không chuẩn: bò lùi, bò bằng tay…
Việc bé trốn lẫy hoặc trốn bò cũng là điều bình thường. Nếu bé không bò, mẹ đừng cố ép bé bò rồi mới cho tập đi nhé!
Bé mới tập đi, không cần tới giày?
Nếu bé tập đi trên cát hoặc tập đi trong nhà, điều này hoàn toàn chính xác. Nhưng nếu bé đi trên đường nhựa, bé cần tới giày để đảm bảo an toàn cho chân và cho sức khỏe.
Tập đi chân đất giúp bé đi thật chân và quen dần với tự nhiên hơn. Tuy nhiên, đi chân đất ở ngoài đường khiến chân bé có thể bị tổn thương khi dẫm vào các mảnh thủy tinh, gai nhọn... Gan bàn chân của bé bị lạnh khiến bé dễ bị ốm. Không tập thói quen đi dép, lớn lên bé không chịu đi giày dép.
Nếu bé đã quá quen đi giày dép ngay từ nhỏ quá nhiều, bé sẽ có cảm giác ghê chân mỗi khi chạm chân xuống nền đất hoặc cát. Các mẹ cần phải điều chỉnh cho con nhé, vừa tập cho con đi chân đất, vừa quen đi dép, tùy theo từng địa điểm bé tập đi.
Khi chọn mua giày tập đi cho bé, mẹ nên lưu ý: Đế giày phải đủ cứng để chắc chắn cho bé. Điều này không ảnh hưởng tới cử động của gót chân. Phần phía sau giày bé cần cao, kín và dày để giúp nâng đỡ chân bé, đi lại dễ dàng.
Chú ý không nên để ngón chân cái tựa vào mũi giày, nên cách chừng khoảng 1,5cm. Khi tập đi, toàn bộ cơ thể đè nặng lên chân khiến bé dễ rướn người về phía trước. Nếu ngón chân cái của bé vừa khít mũi giày sẽ khiến bé bị đau chân.
Bé đi bằng đầu ngón chân hoặc chân hình vòng kiềng
Với bé dưới 3 tuổi, điều này là hoàn toàn bình thường, mẹ không có gì cần lo lắng cả. Lúc này, cơ thể bé còn yếu, chân bé hay đi khuỳnh ra ngoài hoặc bé vừa đi, vừa giơ 2 tay để giữ thăng bằng.
Sau khi bé đã biết đi vững mà vẫn còn tình trạng này, mẹ cần phải đưa bé đến khám và nghe bác sỹ tư vấn nhé.
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!