Hình ảnh kinh hoàng của hội chứng Stevens Johnson

Cần biết - 11/24/2024

Dùng thuốc để chữa bệnh nhưng đồng thời, bạn cũng có nguy cơ đối mặt với những hậu quả đáng sợ.

Khi mắc bệnh, ai cũng phải dùng đến thuốc, song mỗi khi sử dụng thuốc, bạn nên nhớ rằng có thể phải đối mặt với những nguy cơ mà ngay cả các bác sĩ cũng khó có thể lường trước. Không chỉ bệnh tật, những trường hợp phản ứng cơ địa hiếm gặp trong sử dụng thuốc điều trị bệnh cũng chính là những mối đe dọa đáng sợ đối với người bệnh.

Trường hợp của cô gái 20 tuổi có tên là Veronica Zenkner đến từ vùng Dekalb - nước Mỹ đã khiến cho các nhà khoa học thực sự lo ngại về hiện tượng phản ứng cơ địa mãnh liệt với thuốc.

Sau lần phản ứng thuốc kỳ lạ này, cô gái đã mắc phải một hội chứng hiếm gặp có tên là Stevens Johnson Syndrome (một hội chứng cơ thể phản ứng thuốc nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong, được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới bởi nhà khoa học Stevens Johnson).          

Hậu quả của lần phản ứng thuốc quá mãnh liệt đã dẫn tới việc Zenkner đã bị mù mắt trái và để lại những hậu quả khủng khiếp khác. Mặc dù bị mù mắt trái nhưng mỗi lần tiếp xúc với ánh sáng lại mang đến cho Zenkner những cơn đau đớn. Chính vì vậy, cô gái này luôn phải đeo kính râm mỗi ngày.

Câu chuyện bắt đầu từ những viên thuốc

7 năm về trước, mọi chuyện diễn ra bình thường với cô bé 13 tuổi Zenkner. Giống như bao đứa trẻ bình thường khác, Zenkner vẫn phát triển bình thường, sức khỏe tốt và chưa bao giờ phải sử dụng thuốc. Cho tới một ngày, 2 viên thuốc nhỏ đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời cô.

Sau 2 ngày bị hành hạ bởi những cơn đau đầu do căng thẳng trong học tập, Zenkner đã uống hai viên thuốc ibuprofen với hy vọng làm giảm đau. Tuy nhiên, bản thân cô bé và gia đình không hề biết về hiện tượng phản ứng phụ mà thuốc có thể gây ra. Ban đầu, Zenkner phải đối mặt với chứng dị ứng và phải nhập viện. 

Sau đó, các bác sĩ điều trị phát hiện Zenkner có các biểu hiện của hội chứng Stevens Johnson Syndrome (SJS) do phản ứng với thuốc ibuprofen. Hội chứng phản ứng thuốc này đã phá hủy toàn bộ lớp ngoài của da và lớp màng nhầy bao phủ con ngươi trong mắt hay bên ngoài môi. Nó thậm chí còn tấn công cả các cơ quan bên trong cơ thể như phổi và sâu trong mắt gây ra tình trạng mù lòa.

Zenkner kể rằng, sau khi dùng thuốc, buổi tối ngày hôm đó, cô bắt đầu có các biểu hiện lạ: da nổi mẩn ngứa, đau rát, khó chịu và sốt cao. Ngay khi được chuyển tới Bệnh viện Trường đại học Loyola, nơi cô được chẩn đoán là bị nhiễm độc hoại tử biểu bì da (TEN - Toxic Epidermal Necrolysis), các bác sĩ đã xác định: bệnh nhân Zenkner đã có các biểu hiện của hội chứng SJS.

Đây là hội chứng hiếm gặp với tỉ lệ chiếm từ 2-7 trường hợp/1 triệu người. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ dự báo tỉ lệ này có thể tăng cao hơn bởi tình trạng lạm dụng thuốc đang ngày càng mất kiểm soát.

Ngoài trường hợp của Zenkner, một bệnh nhân khác sống tại Mỹ tên là Julie (17 tuổi) cũng từng được phát hiện mắc phải hội chứng phản ứng thuốc SJS khi được điều trị chứng co giật bằng thuốc ngủ phenobarbital lúc mới được 10 tháng tuổi. Bệnh nhân Julie hiện cũng phải chịu ảnh hưởng là mù mắt phải, thị lực mắt trái suy giảm nghiêm trọng.

Hình ảnh kinh hoàng của hội chứng Stevens Johnson

 Dị ứng do nhiễm độc thuốc (Ảnh: Internet)

Nguy hiểm từ hiện tượng phản ứng thuốc

Nhìn chung, mọi loại hóa chất chữa bệnh đều có thể gây ra các phản ứng phụ khi sử dụng. Tùy vào thể trạng và cơ địa của mỗi người, dựa vào việc nghiên cứu tiền sử bệnh lý của bệnh nhân, các bác sĩ có thể biết được bệnh nhân có thể phản ứng với những thành phần nào của thuốc để từ đó kê đơn thuốc hợp lý.

Tuy nhiên, họ chỉ có thể nhận biết được một số phản ứng phổ biến, thông dụng thường xảy ra, chứ không phải là tất cả. Trong một số trường hợp (khoảng gần một nửa bệnh nhân được điều trị), ngay cả các bác sĩ cũng không thể lường hết những phản ứng bất thường khác có thể xảy ra. Đôi khi tình trạng nhiễm khuẩn đột ngột cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới phản ứng thuốc ngoài mong muốn.

Hầu hết các loại thuốc đều có thể gây ra phản ứng phụ, song theo nghiên cứu, phần lớn các thuốc gây phản ứng phụ tập trung vào các loại thuốc có thành phần thuốc kháng sinh như: pencillin, sulfonamides và các thuốc chống viêm như: aspirin, naproxen, hoặc như loại thuốc mà bệnh nhân Zenkner đã sử dụng là ibuprofen.

Một vài loại thuốc có thể gây ra hiện tượng phản ứng thuốc phổ biến, chẳng hạn như ibuprofen từng được cảnh báo là có thể gây ra phản ứng phụ bao gồm: dị ứng với các nốt sần, mẩn đỏ trên da mặt. Song cũng có những phản ứng khác mà khoa học chưa thể nghiên cứu hết, chẳng hạn như hội chứng SJS mà bệnh nhân Zenkner đã mắc phải.

Ngoài ibuprofen, Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) còn đưa ra cảnh báo về một số loại thuốc khác cũng có khả năng gây phản ứng phụ là hội chứng SJS bao gồm các loại thuốc chống co giật - anticonvulsant lamictal (lamotrogine).

Hãy thận trọng khi dùng thuốc

Mặc dù mọi người luôn được khuyến cáo cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, song việc sử dụng hóa chất chữa bệnh vẫn luôn là một 'con dao hai lưỡi'.

Những phản ứng thuốc rất dễ xảy ra và không ai có thể lường trước ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe thể chất của con người.

Trong các trường hợp sử dụng thuốc điều trị bệnh, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân khi phát hiện có các dấu hiệu lạ như: nổi mẩn, dị ứng, buồn nôn, đắng họng hoặc các dấu hiệu bất thường khác, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hậu quả mà hiện tượng phản ứng thuốc có thể xảy ra.

>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh dị ứng thuốc

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!